BVR&MT – Đã có hơn 40ha rừng phòng hộ ngập mặn tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chết nhưng chưa rõ nguyên nhân khiến cho môi sinh, môi trường bị ảnh hưởng. Chưa kể, tuyến đê biển phía trong rừng cũng có nguy cơ bị đe dọa trước mùa mưa bão cận kề.
Xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh có 104,71ha diện tích rừng ngập mặn, được trồng từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 5/2022 trở lại đây, tại lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B tại xã Kỳ Hà, do 2 thôn Tây Hà và Bắc Hà quản lý, bảo vệ đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng cây mắm biển (có tên khoa học là Avicennia Marina (Forssk) Vierh) trong rừng ngập mặn bị chết.
Đến thời điểm này, tổng số rừng bị thiệt hại là hơn 43ha, trong đó có hơn 25ha (chiếm tỉ lệ 60%) diện tích có cây rừng chết không có khả năng phục hồi; hơn 17ha rừng còn lại (chiếm tỉ lệ 40%) có cây đang sống. Cây rừng chết làm cho nguồn lợi thủy sản sống dưới tán cây không còn nơi trú ngụ. Tuyến đê biển phía trong rừng cũng có nguy cơ bị đe dọa trước mùa mưa bão cận kề.
Theo ông Đào Đức Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh, Thị xã đã tổ chức cuộc họp để đánh giá, rà soát lại các nội dung liên quan đến việc xử lý diện tích cây mắm trong rừng phòng hộ bị chết. Địa phương và Hạt Kiểm lâm thị xã được giao nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt, giữ nguyên hiện trạng vùng rừng ngập mặn tại lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B, xã Kỳ Hà để chờ chuyên gia về kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân.
Ông Giang cho hay: Việc cần thiết hiện nay, là tìm hiểu rõ nguyên nhân cây rừng bị chết, từ đó đánh giá lại thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước để tìm kiếm cây trồng phù hợp thay thế diện tích rừng đã bị chết”.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Chung cũng mong muốn, các chuyên gia sớm vào cuộc tìm nguyên nhân khiến rừng phòng hộ ngập mặn tại xã Kỳ Hà bị chết. Từ việc xác định được nguyên nhân, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành cải tạo, trồng diện tích rừng mới thay thế bền vững.
Trước thông tin của địa phương, đầu tháng 6/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra thực địa, làm việc với UBND thị xã Kỳ Anh và đã có văn bản báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh về thực trạng và định hướng xử lý.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bước đầu ngành chuyên môn vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cây rừng trồng ngập mặn bị chết, nhưng đã loại trừ nguyên nhân do các đối tượng sinh vật gây hại.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết để xử lý việc rừng ngập mặn bị chết tại thị xã Kỳ Anh; đồng thời sớm có giải pháp xử lý, trồng rừng thay thế.