Hạn chế hóa chất trong nông nghiệp: Cần tuyên truyền, vận động người dân

BVR&MT – Để hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, kiểm soát được việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi và trồng trọt, Hà Nội đã và đang có những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo hướng an toàn.

Ảnh minh họa

 

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, Thành phố đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với hơn 5.000 ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.941 trang trại ngoài khu dân cư; 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 1.690 ha; hơn 1.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (trong đó, có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp, 17 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, số cơ sở giết mổ được kiểm soát là 116 cơ sở); 123 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; khâu giết mổ chưa bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã tiến hành kiểm tra giám sát và lấy 312 mẫu nông, lâm, thủy sản, gồm: 36 mẫu thịt lợn, 30 mẫu thịt gà, 44 mẫu thủy sản, 87 mẫu rau, 48 mẫu quả, 12 mẫu chè, 28 mẫu gạo, 27 mẫu thực phẩm chế biến; trong đó, 265 mẫu đã có kết quả, phát hiện 17 mẫu vi phạm (chiếm 6,42% và giảm 2,18% so với cùng kỳ năm 2017).

Nguyên nhân chủ yếu là quy mô sản xuất của người dân nhỏ, tự phát, rất khó tập hợp để thực hành quy định về quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh đối với chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn còn hạn chế… dẫn đến tình trạng thực phẩm không an toàn, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), mặc dù đã có quy định rõ ràng với hàng hóa đưa vào hệ thống siêu thị, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp, hợp tác xã chưa đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc đưa nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại không dễ dàng.

Cần chú trọng tuyên truyền

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, thời gian tới, cùng với việc xác nhận và quản lý tốt sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ngành nông nghiệp tập trung ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời, giảm thiểu vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia, góp phần tạo nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp cần theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn; mô hình liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo Nghị quyết số 03/2015/ NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Qua đó, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động xây dựng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn đã được các bộ, ngành xây dựng và ban hành, có cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản.

Sở yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật, cung cấp danh sách kết quả xếp loại (A, B, C), chuỗi sản phẩm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn được xác nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Các đơn vị của Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm sản, thủy sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất cấm;

Tổ chức lấy mẫu thực phẩm, vật tư nông nghiệp để giám sát chất lượng và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật; phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác quản lý giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm, thu hẹp, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…