Hai nghiên cứu xuất bản gần đây trên Tạp chí Science đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ một khu chợ buôn bán động vật sống ở Vũ Hán, Trung Quốc, củng cố thêm giả thuyết rằng virus này xuất hiện từ tự nhiên mà không phải bị phát tán từ phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu cho rằng chợ hải sản Hoa Nam là nơi khởi phát của trận đại dịch cướp đi sinh mạng của gần 6,4 triệu người trên khắp thế giới. Các nhà khoa học kết luận virus gây ra bệnh Covid-19, SARS-CoV-2, có khả năng đã lây từ động vật sang người và giữa người với người.
Kristian Andersen, Giáo sư Khoa Miễn dịch học và Vi sinh của Viện nghiên cứu Scripps Research (Mỹ), đồng tác giả một trong những nghiên cứu trên cho biết: “Tất cả bằng chứng đều hướng đến khu chợ ở Vũ Hán. Bản thân tôi cũng từng bị thuyết phục bởi giả thuyết virus Covid-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cho đến khi chúng tôi nghiên cứu và xem xét vấn đề này kỹ hơn.”
Trong một nghiên cứu khác, chuyên gia sinh học tiến hóa Michael Worobey của Đại học Arizona (Mỹ) và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu do các nhà khoa học Trung Quốc thu thập, cùng với các công cụ lập bản đồ để ước tính vị trí của hơn 150 ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 12/2019. Đồng thời, các nhà khoa học cũng xác định vị trí các ca nhiễm từ tháng 1 và tháng 2 năm 2020 bằng cách thu thập dữ liệu từ một kênh thông tin trợ giúp những người mắc COVID-19 trên một ứng dụng mạng xã hội.
Ông Worobey chia sẻ: Chúng tôi tự đặt ra câu hỏi là: “Tất cả địa điểm mà các ca bệnh đầu tiên có khả năng sinh sống, họ thực sự đã sống ở đâu?”. Khi xem xét điều này, chúng tôi nhận thấy một điều đáng chú ý là: mật độ các ca bệnh cao nhất đều nằm ở cực kỳ gần và tập trung xung quanh khu chợ này. Phát hiện này cũng đúng với tất cả các trường hợp mắc bệnh trong tháng 12 và cả các ca bệnh không có mối liên hệ nào với khu chợ… Đây là dấu hiệu cho thấy virus phát tán từ những người làm việc tại chợ, sau đó lây lan vào cộng đồng địa phương.”
Trong khi đó, ông Andersen cho biết họ cũng tìm thấy các chùm ca nhiễm bên trong khu chợ, “và các chùm ca nhiễm đó ở những khu vực rất cụ thể” – đó là nơi diễn ra hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã dễ bị nhiễm virus corona, chẳng hạn như lửng chó.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã phân tích sự đa dạng của bộ gen virus ở trong và ngoài Trung Quốc, bắt đầu với các bộ gen mẫu từ tháng 12/2019 và kéo dài đến giữa tháng 2/2020. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra hai dòng A và B đánh dấu sự khởi đầu của đại dịch ở Vũ Hán. Đồng tác giả nghiên cứu, ông Joel Wertheim, chuyên gia về tiến hóa virus của Đại học California, San Diego (Mỹ) chỉ ra rằng dòng A có sự tương đồng về gen hơn với virus corona ở dơi, nhưng dòng B dường như đã bắt đầu lây lan sớm hơn ở người, đặc biệt là trong khu chợ.
“Giờ tôi mới nhận ra bản thân giống như vừa mô tả một sự kiện có một không hai nhưng đã xảy ra hai lần liên tiếp,” Wertheim nói. Nhưng thực tế vẫn luôn tồn tại những điều kiện nhất định có thể gây ra đại dịch — chẳng hạn như việc con người tiếp xúc gần với động vật và sự tồn tại của một loại virus có thể lây lan từ động vật sang người và từ người sang người. Vì vậy, việc lây lan vốn có thể xảy ra nhiều lần.
Nhiều nhà khoa học tin rằng virus corona đã truyền từ dơi sang người, trực tiếp hoặc thông qua động vật khác. Nhưng tháng 6 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị điều tra sâu hơn về việc liệu nguyên nhân có thể là do tai nạn trong phòng thí nghiệm hay không. Bởi lẽ, các nhà phê bình cho rằng WHO đã quá vội vàng khi bác bỏ giả thuyết virus bị phát tán từ phòng thí nghiệm.
“Chúng tôi đã bác bỏ giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm chưa? Chưa, chúng tôi chưa hề,” Andersen nói. “Nhưng tôi nghĩ điều thực sự quan trọng ở đây là chúng ta cần có những kịch bản khả thi và hợp lý và cũng phải hiểu rằng “khả thi” không có nghĩa là “có khả năng xảy ra”.”
Nguồn gốc của đại dịch COVID-19 vẫn là câu hỏi gây tranh cãi. Một số nhà khoa học tin rằng giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm có nhiều khả năng hơn, trong khi những người khác vẫn để ngỏ cả hai khả năng. Tuy nhiên, theo ông Matthew Aliota, chuyên gia nghiên cứu của Đại học Minnesota (Mỹ), hai nghiên cứu mới này “hy vọng là ở một mức nào đó, đã chấm hết cho giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.”
“Cả hai nghiên cứu thực sự cung cấp bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết nguồn gốc tự nhiên của virus.” – Ông Aliota nói.