BVR&MT – Bất kỳ ai đi ngang qua trên cánh đồng mênh mang nơi sản xuất nếp cái hoa vàng tập trung ở thị xã Kinh Môn cũng cảm nhận được mùi thơm ngát, mát dịu của hương lúa nếp mơn man nơi cánh mũi. Nhắm mắt, hít một hơi thật sâu để tận hưởng trọn vẹn hương thơm của bông lúa chín vàng óng. Đặc biệt, khi được thưởng thức các món ăn từ gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, hương vị của hạt gạo khiến ai cũng nhớ mãi.
Vụ mùa năm 2024, thị xã Kinh Môn sản xuất gần 700ha lúa nếp cái hoa vàng, gieo cấy tập trung tại các xã, phường: Duy Tân, Hoành Sơn, Tân Dân, Phạm Thái… Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng tới hơn 700 ha lúa nếp cái hoa vàng của thị xã, năng suất giảm so với năm trước, nhưng giá bán thóc tươi tại ruộng tăng hơn so với vụ trước từ 4 đến 8 nghìn đồng/kg (tuỳ từng thời điểm). Điều đáng mừng là thóc thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó, đem lại niềm vui với bà con nông dân.
Với lợi thế về khí hậu, đất đai, nguồn nước, cùng với kinh nghiệm canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học từ khâu chọn giống đến sản xuất, thu hoạch và chế biến, người nông dân Kinh Môn đã bảo tồn, nâng niu, chăm sóc, làm cho gạo nếp cái hoa vàng thêm đậm đà hương vị, thơm ngon đặc trưng, nức tiếng dần xa; hạt gạo tròn mẩy, bóng mịn, không vỡ; khi nấu chín mềm dẻo, thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Với tài nghề ẩm thực, từ hạt gạo này người dân chế biến thành nhiều món ăn ngon như: xôi, bánh chưng, bánh dày, bánh lòng, cái rượu… để dâng cúng tổ tiên, trong dịp lễ, Tết hoặc thết đãi khách quý.
Tháng 11 dương lịch hàng năm, lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn vào vụ thu hoạch. Tiếng máy gặt, xe vận chuyển, tiểu thương đến thu mua, tiếng cười nói của người nông dân hoà vào mùi thơm của hương lúa nếp đã tạo nên bức tranh của ngày mùa sôi động.
Rơm nếp hoa vàng cũng được bà con tận dụng làm vật dụng có ích, thu gom, sơ chế để bán. Rơm có đặc điểm chắc, bền, có mùi thơm đặc trưng, thường dùng để làm chổi rơm, bó hành, tỏi, bó các loại rau nên được rất người dân ưa chuộng. Sau thu hoạch, người dân tiếp tục cải tạo đất để trồng rau xanh, khoai tây, đậu đỗ để tăng thu nhập.
Ông Lê Huy Đương, người dân khu dân cư Duyên Linh, phường Duy Tân tâm sự: “Mỗi mùa vụ được ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín ngả màu vàng óng chúng tôi thêm yêu cây lúa, càng thêm gắn bó, gieo trồng và chăm sóc cẩn thận với tâm huyết được trao truyền cho thế hệ con cháu. Và để hương nếp tiếp tục bay xa, nâng tầm giá trị sản phẩm”.
Gạo nếp cái hoa vàng của thị xã đã có nhãn hiệu tập thể với tên gọi Nếp cái hoa vàng Kinh Môn và được Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng cấp mã số hàng hóa. Năm 2017, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được bình chọn là 1 trong 150 sản phẩm đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng tiêu thụ ổn định, giá luôn cao hơn các loại gạo nếp khác.
Để gìn giữ và phát huy tốt giá trị của giống lúa đặc sản này, UBND thị xã Kinh Môn đã thực hiện nhiều giải pháp như: phối hợp với Viện Cây lương thực, thực phẩm Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển nông nghiệp Pháp bảo tồn, phục tráng thành công giống nếp cái hoa vàng, hỗ trợ về giống, phân bón, khoa học kỹ thuật cho người dân địa phương canh tác; nhân rộng các mô hình canh tác lúa nếp nếp cái hoa vàng Kinh Môn phát huy giá trị bền vững.
Bà Nguyễn Thị Qúy, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Duy Tân chia sẻ:“Bén duyên với vùng đất sản xuất nếp cái Hoa vàng tập trung lớn nhất thị xã với 207ha. Thấu hiểu nỗi vất vả của người dân “một nắng, hai sương” làm ra hạt gạo đã thôi thúc tôi xây dựng thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng Duy Tân. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo hướng hữu cơ và được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, gieo cấy, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, Hợp tác xã đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản suất, bao tiêu cho 14 héc ta nếp cái hoa vàng của 40 thành viên, sản lượng 60 tấn thóc. Thành viên Hợp tác xã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, qua mạng xã hội. Nhờ đó, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng được nhiều người tin dùng”.
Nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh lựa chọn gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn phát triển thương hiệu, từ áp dụng quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói thành phẩm đến chế biến sâu, quảng bá, tiêu thụ, gửi trọn tâm tình quê hương vào mỗi sản phẩm, nâng tầm giá trị cho nông sản đặc hữu của địa phương. Nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu từ “hạt vàng” này đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ, đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam như: rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm; rượu ngô nếp, gạo nếp cái hoa vàng An Sinh Vương.
Chị Nguyễn Thị Hương- Chủ cơ sở sản xuất Mạc Đình Trung phường Duy Tân chia sẻ: Mỗi năm cơ sở tôi cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn gạo thành phẩm. Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của Cơ sở đã được công nhận đạt OCOP năm 2023, năm nay cơ sở phấn đấu dạt Ocop cấp tỉnh. Để sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng giữ được thương hiệu trên thị trường, chúng tôi luôn chú trọng thực hiện từ khâu sản xuất, thu mua, bảo quản, đóng gói tiêu thụ, gửi trọn chữ “tâm” vào mỗi “hạt vàng”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Thưởng- Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết: “Để bảo tồn và phát huy giá trị giống nếp cái ha vàng truyền thống của đi phương, những năm qua thị xã thực hiện hiện chính sách hỗ trợ cho người dân từ giống, vật tư nông nghiệp, quy trình sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện chế biến sâu, chủ động tiếp cận thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng hành với người nông dân phát triển thương hiệu bền vững”.
Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn và các sản phẩm chế biến từ gạo cũng ngày càng xuất hiện ở nhiều gian hàng, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Hiện nay, sản phẩm được bán với giá từ 35.000 đến 37.000 đồng/kg, tăng hơn năm trước.
Với những thay đổi tư duy về sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ, nâng tầm sản phẩm, nếp cái hoa vàng Kinh Môn đang tự tin được thị trường ưa chuộng. Nhiều năm qua, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn trở thành món quà quê mang đặc trưng vùng miền, đi muôn nơi như một sự tự hào về mảnh đất Kinh Môn. Đây cũng chính là động lực để người dân Kinh Môn gắn bó, gìn giữ và phát huy giá trị giống lúa quý của vùng đất quê mình.
Quỳnh Anh