BVR&MT – Nhờ sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành và đồng thuận của người dân, nhiều tuyến đê trong tỉnh đã được phủ xanh, dần tạo nên những tuyến đê kiểu mẫu.
Trồng cỏ và hoa
Bờ đê tả sông Thái Bình đoạn qua khu dân cư Tân Lập, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) giờ đây không còn là nơi cỏ dại mọc um tùm, người dân tiện để rác sinh hoạt mà đã là bờ hoa rực rỡ. Năm 2021, người dân sinh sống gần đây thấy khu vực này hoang vu, cỏ mọc rậm rạp, mất mỹ quan nên đã cải tạo trồng nhiều loại hoa, cây cảnh khác nhau. Các hộ thấy đẹp mắt nên bảo nhau mở rộng diện tích trồng. Bà Nguyễn Thị Hiên sống cạnh đê cho biết lúc đầu ngày nào mọi người cũng dành 1 tiếng để phát quang rồi trồng và chăm sóc hoa, cây xanh. Hiện tại khi cây đã phát triển thì chỉ cần nhặt cỏ, tưới nước. Ai cũng vui vẻ làm để tạo cảnh quan tươi đẹp cho bờ đê nơi mình sống.
Huyện Thanh Hà là địa phương đi đầu trong phong trào phủ xanh các tuyến đê. Mặc dù tuyến dài lại thuộc Trung ương quản lý nhưng huyện không bỏ bê, lơ là việc đầu tư để mang lại diện mạo mới cho từng tuyến đê. Ngoài trích ngân sách thực hiện phát quang cỏ dại, trồng cỏ mới trên mái đê, huyện còn huy động nguồn xã hội hoá, vận động nhân dân cùng tham gia phủ xanh, gìn giữ bờ đê. Theo ông Phạm Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Lang, địa phương có gần 7 km đê thì đều được quan tâm cải tạo. Mặt đê được đổ bê tông, tạo thuận tiện cho người dân đi lại, còn mái đê cũng được chăm chút trồng cỏ theo hàng lối. Nhân dân trong xã rất phấn khởi vì đường đê được “thay áo mới”, đẹp không kém gì đường trong xã, trong thôn. Vì thế, ai cũng có ý thức bảo vệ đê, không còn có những hành vi vi phạm đê điều như trước.
Thực hiện phong trào xây dựng đê kiểu mẫu, những năm qua các địa phương trong tỉnh ngoài việc xử lý vi phạm công trình còn tập trung cải thiện cảnh quan trên đê. Nhờ vậy, những bờ đê không còn hoang vắng, cỏ dại um tùm, là nơi trú ngụ của chuột, côn trùng mà đã gần gũi với người dân, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Để phong trào lan tỏa
Không phụ thuộc vào nguồn ngân sách, nhiều nơi đã có cách làm hay, sáng tạo để biến những tuyến đê vốn hoang vu, hẻo lánh thành nơi có cảnh đẹp, vừa chống vi phạm, bảo vệ an toàn đê điều, vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Tuy vậy, việc thực hiện đã khó thì việc duy trì, giữ gìn còn khó khăn và vất vả hơn.
Những tuyến đê ở thị xã Kinh Môn chủ yếu là đê địa phương quản lý nên Hạt Quản lý đê rất sát sao trong việc phối hợp kiểm tra, bảo vệ, nhất là các đoạn được phát quang cây bụi, trồng cỏ cẩn thận. Đây là một tiêu chí thi đua xây dựng đê kiểu mẫu được giao ước với các phường, xã. Theo anh Phùng Văn Điển, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Kinh Môn, việc trồng cỏ ở các địa phương tương đối đồng đều nhưng sau khi nhận bàn giao thì nơi chăm sóc, bảo vệ tốt, nơi lại không. Một số đoạn người dân còn trồng các loại cỏ không phù hợp, ảnh hưởng tới tuổi thọ công trình. Vì thế, ngoài đầu tư, cải tạo để phủ xanh từng tuyến đê thì cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. Có như vậy, những tuyến đê xanh mướt mới được duy trì, bảo vệ lâu dài.
Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã phát quang cây bụi, cỏ dại cho gần 34 km đê và trồng cỏ cho hơn 55.000 m2 mái đê. Các huyện, thành phố, thị xã cũng chủ động vận động người dân chỉnh trang tuyến đê qua khu dân cư bằng cách trồng cỏ, hoa, cây cảnh. Đây là đợt phát động phủ xanh bờ đê lớn nhất từ trước đến nay, từ đó đã tạo sự lan toả để xây dựng đê kiểu mẫu không còn là công việc của riêng ai, công trình đê điều không chỉ bảo đảm chống lũ mà còn gắn bó, gần gũi với mỗi người dân. Khi mọi người cùng trách nhiệm thì việc quản lý, gìn giữ các tuyến đê sẽ bớt khó khăn.