BVR&MT – Cần có giải pháp phù hợp hơn để xử lý rác thải của trạm y tế, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.
Việc xử lý rác thải tại các trạm y tế ở Hải Dương vẫn còn bất cập, cần sớm có những giải pháp phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ người dân.
Mỗi nơi một kiểu
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trạm y tế trong tỉnh vẫn đang áp dụng việc xử lý chất thải rắn bằng đốt và chôn lấp. Trạm Y tế xã Toàn Thắng (Gia Lộc) đang hoàn thiện việc xây dựng một lò đốt rác thải thủ công bằng gạch, xi măng ngay trong khuôn viên. Đây sẽ là nơi để trạm xử lý một số loại chất thải rắn như bơm kim tiêm, dây truyền nước, bông băng… Điều đáng nói là vị trí xây lò đốt nằm cách hội trường UBND xã vài bước chân và cách một khu dân cư gần đó vài trăm mét theo đường chim bay. Dẫu biết lượng rác thải rắn tại các trạm y tế ít nhưng việc đốt theo kiểu thủ công về lâu dài vẫn khiến nhiều người lo ngại.
Trạm Y tế xã Nghĩa An (Ninh Giang) mỗi tháng thu gom khoảng 2-3 kg rác thải rắn, chủ yếu sau các đợt tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm vaccine phòng Covid-19. Trạm cũng xây dựng được một lò đốt thủ công. “Cái gì cháy được thì chúng tôi đốt, rồi vét tro ra đào hố chôn. Vỏ lọ thuỷ tinh, kim tiêm cũng chôn cùng. Bây giờ không có cách nào, biết mang đi đâu được…”, ông Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa An thông tin.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Kim Thành cho biết đối với rác thải rắn thì khuyến khích trạm y tế các xã, thị trấn chuyển về trung tâm xử lý. Tuy nhiên, thực tế lượng rác thải nguy hại ở trạm y tế tuyến xã không nhiều nên thường được đốt và chôn ngay tại chỗ.
Các Trung tâm Y tế huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn, TP Chí Linh, TP Hải Dương đã yêu cầu các trạm y tế không được đốt và chôn lấp tại chỗ mà phải thu gom, mang lên trung tâm xử lý chung. So với đốt và chôn lấp tại chỗ, việc các trạm y tế vận chuyển rác lên Trung tâm Y tế để xử lý sẽ hạn chế tác động tới môi trường. Tuy nhiên, việc vận chuyển rác chưa thực sự bảo đảm an toàn. Theo quy định, việc vận chuyển rác thải từ cơ sở y tế đến nơi xử lý phải có phương tiện chuyên dụng. Thực tế, các trạm y tế không có phương tiện vận chuyển rác chuyên dụng mà thường cử người vận chuyển bằng xe máy lên Trung tâm Y tế của địa phương. Điều này kéo dài thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm, gây nguy cơ phát tán ô nhiễm do vi khuẩn phát triển, mùi hôi và gây nguy hiểm cho chính nhân viên y tế tham gia vận chuyển, xử lý rác.
Giải pháp phù hợp
Việc thu gom, xử lý rác thải y tế tại các cơ sở y tế nói chung, trạm y tế nói riêng đang được thực hiện theo Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành theo Quyết định số 43 ngày 30.11.2007 của Bộ Y tế và Thông tư liên tịch số 58 của Liên bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế. Điều 19 của quy chế hướng dẫn có 3 mô hình xử lý, tiêu huỷ chất thải rắn y tế nguy hại hợp quy là: Trung tâm xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại tập trung; cơ sở xử lý và tiêu hủy chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế; xử lý và tiêu hủy chất thải rắn y tế nguy hại tại chỗ. Như vậy, việc đốt, chôn rác thải ngay tại chỗ mà nhiều trạm y tế trong tỉnh đang triển khai là đúng quy định. Tuy nhiên, công nghệ lò đốt thủ công đang được nhiều trạm y tế áp dụng đa số không bảo đảm tiêu chuẩn, tỏa nhiều khí thải ra môi trường, nhiệt độ không đạt, hiệu suất đốt không cao, không có khả năng triệt để xử lý yếu tố gây ô nhiễm.
Lãnh đạo nhiều trạm y tế thừa nhận việc đốt rác thải y tế như hiện nay sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, cần giải pháp phù hợp hơn. “Tôi nghĩ việc thuê doanh nghiệp chuyên thu gom, xử lý rác thải cho các trạm y tế theo định kỳ nửa tháng hoặc 1 tháng/lần là giải pháp tốt. Họ có xe chuyên dụng nên việc vận chuyển cũng bảo đảm an toàn hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cần bổ sung kinh phí cho hoạt động này”, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Toàn Thắng Đỗ Trọng Xíu nêu.
Ngành y tế Hải Dương thường xuyên tập huấn công tác quản lý, xử lý chất thải rắn y tế cho các trạm y tế. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy không ít nhân viên trạm y tế chưa nắm chắc quy định. Sự thiếu sót này có thể là tiền đề cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy thiếu chính xác. Do đó, các chương trình tập huấn liên quan đến vấn đề này cần được làm thường xuyên để thay đổi mạnh mẽ ý thức, thái độ, hành vi của nhân viên y tế. Ngành y tế và chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, định hướng cho trạm y tế xử lý rác thải rắn phù hợp, an toàn.
Về lâu dài, tỉnh cần có chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư, khuyến khích sáng chế và đưa vào ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải an toàn, rẻ tiền, dễ sử dụng cho các trạm y tế. Trước mắt, giải pháp tối ưu nhất là các địa phương trong tỉnh hướng dẫn các trạm y tế thu gom, vận chuyển rác về Trung tâm Y tế để xử lý chung một mối, hạn chế tác động tới môi trường từ việc đốt và chôn lấp.