BVR&MT – Để giảm áp lực phòng chống cháy rừng, đòi hỏi chủ rừng, người đi rừng, khách tham quan và lực lượng chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phòng ngừa.
Thời tiết diễn biến khó lường cùng với những khó khăn, hạn chế về phương tiện, nhân lực khiến áp lực phòng chống cháy rừng ngày càngtăng.
Nhiều bất lợi
Hải Dương có hơn 11.000 ha rừng ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Trong số này có nhiều diện tích rừng tự nhiên thuộc loại nghèo kiệt, đang phục hồi sau khai thác, chủ yếu là cây gỗ xen tre, nứa. Vào mùa khô, khi tre, nứa chết làm cành khô, lá rụng tạo ra nguồn vật liệu cháy nguy hiểm. Rừng trồng đa phần là thông, keo gắn với các khu di tích và những nơi trước là đất trống, đồi núi trọc có lớp thực bì dày. Mùa cao điểm nắng hanh dễ xảy ra cháy rừng cũng là thời gian thu hoạch nhựa thông, khi khai thác sẽ rơi vãi lượng nhựa nhất định. Do đó diện tích rừng thông sẽ xảy ra cháy lớn nếu dùng lửa bất cẩn.
Ngoài đặc tính rừng thì thời tiết bất thường cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng. Điều này minh chứng bởi tình hình thời tiết thực tế đầu mùa khô đến nay. Từ nửa cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11, nắng hanh, ít mưa luôn là trạng thái thời tiết chủ đạo. Độ ẩm không khí xuống thấp, chỉ từ 45-60% khiến ẩm độ vật liệu dẫn lửa ở mức cạn kiệt, có thời điểm chỉ dưới 10%. Vì vậy, mức cảnh báo cháy rừng liên tục được tăng cấp, có lúc ở mức cao nhất, cực kỳ nguy hiểm. Gần đây nhất vào ngày 2.11, điều kiện thời tiết cộng hưởng với tính chất rừng và sự chủ quan của người dân đã gây ra vụ cháy 1,8 ha rừng tại phường Phả Lại (Chí Linh).
Bên cạnh yếu tố tự nhiên khách quan thì việc phòng chống cháy rừng còn gặp khó khăn do thiếu thốn thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Nhân lực huy động tại chỗ phục vụ hoạt động này không bảo đảm. Một số xã, phường có rừng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại địa phương nòng cốt là đội ngũ dân quân tự vệ song không được hưởng lương từ ngân sách mà chỉ trả công theo số lần thực hiện nhiệm vụ. Do đó, để kiếm thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống, nhiều người đi làm ăn xa, làm công nhân nên việc huy động đột xuất tham gia phòng chống cháy rừng gặp khó. Mặt khác, một số hộ nhận khoán rừng không phải người địa phương, vì thế khi xảy ra sự cố khó liên lạc và phối hợp xử lý kịp thời. Theo ông Mạc Đình Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chí Linh, do nhiều bất lợi mà áp lực phòng chống cháy rừng ngày càng lớn. Đặc biệt, trong mùa hanh khô thì nỗi lo cháy rừng luôn hiện hữu trong khi điều kiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phòng là chính
Mặc dù việc phòng chống cháy rừng đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực song không thể lơ là bởi chỉ cần chủ quan trong khoảnh khắc thì sẽ phải trả giá lâu dài. Chính vì vậy, tháng 9 vừa qua UBND tỉnh đã ban hành cấp dự báo, bảngtra cấp dự báo, thời gian cao điểm xảy ra cháy rừng và xác định vùng trọng điểm. Từ quy định này, việc đánh giá nguy cơ cháy rừng sẽ sát thực tế và trách nhiệm trong phòng chống cháy rừng giữa các cơ quan, đơn vị cũng chặt chẽ hơn.
Mùa hanh khô năm nay, tỉnh xác định 10 trọng điểm phòng chống cháy rừng cần phải bảo vệ, đề cao cảnh giác. Đây chủ yếu là vùng giáp ranh, gần các khu di tích, nếu để xảy ra cháy sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Với phương châm phòng là chính, các đơn vị quản lý cùng chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy để hạn chế nguy cơ cháy rừng và bảo đảm ứng phó, ứng cứu kịp thời nếu sự cố xảy ra. Do phương tiện, nhân lực mỏng nên các cơ quan, đơn vị xác định tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, hộ nhận khoán rừng là giải pháp then chốt để phòng chống cháy rừng. Ông Mao Việt Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kinh Môn cho biết những ngày cao điểm phòng chống cháy rừng, ngoài trực 100% quân số 24/24 giờ, đơn vị tích cực phối hợp với Trạm Quản lý rừng, UBND các phường, xã có rừng thực hiện nghiêm túc việc tuần tra, nhất là ở khu vực dễ phát sinh cháy rừng. Đồng thời tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động chủ rừng, người đi rừng, khách tham quan chấp hành nghiêm quy định sử dụng lửa trong rừng, ven rừng. Chỉ khi chủ động phòng tránh thì mới giảm được áp lực khi xảy ra sự cố cháy rừng.
Thời gian cao điểm có thể xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh là 7 tháng, từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Tuy nhiên trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị trong việc phòng chống cháy rừng thì không thể giới hạn thời gian mà phải duy trì thường xuyên liên tục. Những năm qua và dự báo thời gian tiếp theo, thời tiết không theo quy luật thông thường, vụ đông xuân ấm khiến hanh khô lấn át nóng ẩm. Do đó, chỉ cần lơ là, bất cẩn thì công sức gây rừng bao năm sẽ tiêu tan. Mặc dù áp lực phòng chống cháy rừng mỗi lúc một gia tăng song nếu nâng cao tinh thần trách nhiệm và chủ động trong phòng ngừa thì nguy cơ cháy rừng sẽ không còn căng thẳng.