BVR&MT – Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có các văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020; tổng hợp danh mục các dự án đầu tư có sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất từ 10 ha đất trồng lúa trở lên.
Trong nội dung Công văn số 5613/STNMT-CCQLĐĐ, ban hành ngày 6/7, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho ý kiến về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố để thực hiện dự án.
Sau khi tổng hợp các báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp được 57 dự án, tổng diện tích là hơn 3.101ha trên địa bàn các quận, huyện: Chương Mỹ, Đông Anh, Hà Đông, Hoài Đức, Gia Lâm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thường Tín và thị xã Sơn Tây, trong đó sử dụng hơn 1.795ha đất trồng lúa và 176,4ha đất trồng rừng.
Để bảo đảm thống nhất và đầy đủ hồ sơ theo quy định, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã: Kiểm tra, rà soát xác định diện tích đất trồng lúa trong phạm vi, ranh giới thực hiện dự án (trường hợp trên 10ha đất trồng lúa, trên 20ha đất trồng rừng, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận).
Cùng với đó, lập hồ sơ cụ thể theo quy định, gồm: Quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trước ngày 1/7/2015 mà còn hiệu lực thực hiện; quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và báo cáo thuyết minh; trích sao bản đồ kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt…
Ngoài ra, phải có phương án trồng rừng thay thế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp đối với dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
Hoàng Tôn