Hà Nội: Trao giải Vành Khuyên Xanh 2020 về phòng chống ô nhiễm không khí

BVR&MT – Ngày 12/ 6, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết và sáng tạo hình ảnh về chủ đề ô nhiễm không khí “Vành Khuyên Xanh” và tọa đàm “Mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp – Vấn đề mới nổi”.

Các tác giả chụp hình lưu niệm tại cuộc thi.

Giải Vành Khuyên Xanh 2020 với chủ đề phòng chống ô nhiễm không khí do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs – VN) đồng phối hợp tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hiện trạng, nguyên nhân, tác động và giải pháp về vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay. Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ lúc phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người tham gia trên mọi lĩnh vực. Ban tổ chức đã nhận được 77 tác phẩm dự thi, 50 tranh ảnh, 4 video và 16 bài viết trên khắp cả nước. Thông qua cuộc thi lần này, phía đơn vị tổ chức cũng ghi nhận những suy nghĩ, quan điểm của tác giả trước diễn biến hết sức tiêu cực về môi trường được truyền tải qua mỗi tác phẩm. Kết quả cuộc thi được trao cho 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Cũng trong khuôn khổ Lễ trao giải Vành Khuyên Xanh, tọa đàm “Mối quan tâm của cộng đồng về ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải công nghiệp – Vấn đề mới nổi”, theo các chuyên gia đánh giá, trongnhiều năm trở lại đây, ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề luôn nóng hổi và nhận được sự quan tâm từ người dân, một trong những nguyên nhân lớn là do sự tác động từ phía các ngành công nghiệp, sản xuất công nghiệp nặng tăng thì ô nhiễm không khí cũng sẽ ngày càng tăng rất cao. “ Phát thải từ các phương tiện cá nhân và xe máy giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ điện dân dụng từ các hộ kinh doanh khiến cho hoạt động của các nhà máy điện vẫn diễn ra bình thường.

Tác giả Nguyễn Văn Long đạt 2 giải nhất, nhì cuộc thi Vành Khuyên Xanh đang trình bày về ý tưởng khi thực hiện tác phẩm.

Qua bản đồ vệ tinh, chúng tôi thấy lượng phát thải từ các nhà máy điện than và khu công nghiệp ở phía nam Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình… tăng mạnh. Hiện nay, thế giới 9/10 người đang hít không khí bẩn. Tỷ lệ người già, trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp tăng đột biến, chưa kể bệnh liên quan đến ung thư. Những hạt bụi nhỏ như PM 2.5 mang theo chất độc nguy hại từ sản xuất công nghiệp không chỉ làm đen phổi mà còn ngấm dần tàn phá đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể dai dẳng trong một thời gian dài rất khó phát hiện”, Phó Giáo sư Nguyễn Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục quản lý môi trường Bộ Y tế nhấn mạnh.

Để chứng minh rõ hơn nhận định này, ông Đinh Hồng Tảo, nhân viên y tế xã Thanh Hải (Hà Nam), một trong những người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi ô nhiễm không khí, đã đưa ra những con số giật mình, không khỏi xót xa tại chính khu vực ông đang sinh sống. “Tổng số ca tử vong tại địa phương tính từ năm 2015 đến 5 tháng đầu năm 2020 la 297 ca, trong đó tỉ lệ tử vong do ung thư la 82/ 297 ca, trong đó, số ca ung thư liên quan đến đường hô hấp chiếm 39/ 83 %. Một xã Thanh Hải có đến 4- 5 nhà máy chủ yếu sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác than đá. Không những vậy, có nhà máy sản xuất xi măng chỉ cách trạm y tế khoảng 1 km, buổi chiều, khi thời tiết nắng nóng vẫn ở mức cao độ, xung quanh khu vực nhà máy, khói bụi mù như sương, bụi đầy mái nhà. Qua báo cáo đánh giá tác động xã hội môi trường của các công ty, xí nghiệp thì mọi phương án xử lý đều tốt, nhưng khi đi vào thực hiện giỏi thì được 20 – 30% còn lại 80% là không thực hiện được. Người dân rất khổ sở nhưng không biết phải làm thế nào?!”.

Ông Đinh Hồng Tảo chia sẻ về hiện trạng tại địa phương.

Thảo luận tại buổi tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An – Nguyên Đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến, giải pháp xoay quanh những vấn đề này trước bối cảnh Luật bảo vệ môi trường đang được thảo luận tại kì họp Quốc hội, bà An khuyến nghị: “Cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những cơ sở sản xuất công nghiệp, phải đánh giá lượng phát thải ra để thu phí, thải ra càng nhiều thu phí càng cao, đặc biệt là rác thải, khí thải gây ung thư, lấy số tiền đó bù đắp vào thiệt hại cho người dân sống quanh khu vực chịu ảnh hưởng. Không thể để người dân ngậm đắng nuốt cay chịu đựng, bán đất bán vườn chữa chạy ung thư mà vẫn không duy trì được sự sống”.

Quỳnh Anh – Văn Trì