BVR&MT – Ngày 30/9, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành Báo cáo số 536/BC-SNN, về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố (tính đến 17h00 ngày 29/9/2019).
Theo Sở NN&PTNT, trong 4 ngày từ 26/9 đến 29/9, bệnh DTLCP đã phát sinh tại 234 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 16 huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 2.641 con lợn với trọng lượng 163.263kg. Còn trong tuần qua (từ ngày 23/9 đến 29/9), bệnh dịch cũng tiếp tục phát sinh tại 458 hộ, cơ sở chăn nuôi, 11 thôn; làm mắc bệnh và tiêu hủy 4.669 con lợn với trọng lượng 307.719 kg. Một số huyện phát sinh và tiêu hủy nhiều lợn như: Ba Vì 1.437 con, Mỹ Đức 996 con, Ứng Hòa 585 con… So với tuần trước (từ ngày 16 đến 22/9), trong tuần qua, bệnh DTLCP phát sinh ít hơn cả về số hộ và số lợn tiêu hủy (giảm 117 hộ và số lượng lợn tiêu hủy ít hơn là 1.130 con).
Sở NN&PTNT cũng cho biết, bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Mặt khác, vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút, 70 độ C trong 20 phút, 100 độ C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 đến 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày. Đường lây truyền của vi rút DTLCP rất phức tạp và giải pháp phòng, chống dịch bệnh quan trọng nhất là an toàn sinh học… nên nguy cơ dịch bùng phát trở lại rất cao.
Chính vì thế, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP và chỉ đạo của trung ương, thành phố. Đồng thời, chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức triển khai nghiêm túc hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ bệnh dịch đến từng hộ chăn nuôi; phát hiện và xử lý sớm, triệt để ngay từ giờ đầu, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý bệnh theo quy định. Phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại một số ô chôn lấp lợn bị bệnh DTLCP. Phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của trung ương và thành phố hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng thực hiện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố. Tiếp tục duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố và Tổ kiểm dịch động vật liên ngành lưu động thành phố để thực hiện việc tuần tra, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông tại các trục đường giao thông trên địa bàn thành phố. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cần phải thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm bắt tình hình, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định.
Thạch Thảo