BVR&MT – Hiện nay, sản lượng nông nghiệp tại Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, vào một số thời điểm, vẫn xảy ra tình trạng dư thừa nông sản, các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chung tay giúp đỡ tiêu thụ. Trước tình trạng trên, Hà Nội đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ những bất cập trong công tác quy hoạch vùng sản xuất cũng như sự liên kết còn lỏng lẻo giữa sản xuất với phân phối tiêu dùng trên địa bàn.
Vừa thiếu, vừa thừa
Với hơn 10 triệu người thường xuyên sinh sống trên địa bàn, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Hà Nội rất lớn. Nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài một số thực phẩm mà địa phương chủ động được nguồn cung như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm… vẫn còn khá nhiều mặt hàng khác phải phụ thuộc vào các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Đơn cử, sản lượng gạo mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu, thịt bò khoảng 15%, thủy, hải sản khoảng 5%, thực phẩm chế biến khoảng 20%… Ngay cả mặt hàng rau, dù thành phố có tới hơn 10 nghìn héc-ta trồng rau, nhưng sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng được 66% nhu cầu của người dân, còn lại phải khai thác từ các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… Thế nhưng có một số thời điểm, tại Hà Nội lại xảy ra tình trạng thừa nông sản, cần doanh nghiệp và người tiêu dùng giúp tiêu thụ. Đơn cử như việc dư thừa hơn 1.000 tấn củ cải ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, hàng chục héc-ta hoa ly ở làng hoa Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Nguy cơ một cuộc khủng hoảng thừa cũng đang đến gần đối với các loại cây có múi, khi diện tích trồng cam, quýt và các loại quả có múi năm 2017 của Hà Nội đạt gần 6.300 ha, tăng gần 8% so với năm trước, dự kiến năm nay sẽ tiếp tục tăng cao. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Trong những năm qua, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa thành công gần 79 nghìn héc-ta đất nông nghiệp, gắn với cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng, quy hoạch lại vùng sản xuất, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Người dân mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư nuôi trồng nhiều loại giống cây, con mới, có năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, do Quy hoạch phát triển nông nghiệp của thành phố (được xây dựng từ năm 2012) chưa quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế, nên việc định hướng sản xuất còn rất lúng túng. Công tác quản lý quy hoạch tại các địa phương nhiều nơi thiếu thống nhất, chặt chẽ, dẫn đến định hướng phát triển nông nghiệp ở các huyện đều na ná nhau. Địa phương nào cũng trồng rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả (chủ yếu là các loại cây có múi), chăn nuôi, mà chưa tìm được loại cây, con thế mạnh riêng. Người dân mải chạy theo lợi nhuận, phong trào, cứ thấy cây, con gì được giá là đổ xô vào sản xuất, dẫn đến tình trạng dư thừa. Phần lớn các hộ nông dân mới chỉ quan tâm đến sản xuất cái gì để có thể bán ngay mà chưa chú trọng việc có kế hoạch sản xuất dài hạn, đáp ứng nhu cầu lâu dài của thị trường, làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, ổn định.
Một nguyên nhân khác của nghịch lý thiếu – thừa nông sản ở Hà Nội chính là do chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ còn yếu. Đến nay, thành phố mới xây dựng được 65 chuỗi liên kết thực phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ, chỉ chiếm 15 đến 20% lượng hàng hóa tiêu thụ trên thị trường. Để xảy ra tình trạng này là do các cơ quan quản lý nhà nước chưa chủ động nắm bắt, định hướng người nông dân điều tiết sản xuất phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường, chưa trở thành cầu nối vững chắc giữa người nông dân và doanh nghiệp. Các hộ dân với kiểu làm ăn mang tính chất thời vụ, theo lối chộp giật, chưa đáp ứng được những tiêu chí của hệ thống, dẫn đến tình trạng tiêu thụ bấp bênh. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam Vũ Thị Hậu chia sẻ, doanh nghiệp rất mong muốn và sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm do nông dân Hà Nội sản xuất, nhất là những mặt hàng nông sản chất lượng cao với giá thu mua ổn định và sản phẩm đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Nhưng nhiều hộ sản xuất lại muốn bán lẻ, bán trôi nổi sản phẩm ngoài thị trường để được giá cao hơn, điều này dẫn đến có thời điểm nhiều mặt hàng bị tư thương ép giá xuống thấp.
Cần giải pháp đồng bộ
Sau đợt phải kêu gọi sự chung sức của xã hội giúp tiêu thụ mặt hàng củ cải hồi tháng 3, hiện nay, tại xã Tráng Việt việc sản xuất loại cây trồng này đã trở lại bình thường. Ở thôn Đông Cao, mỗi ngày có gần 100 tấn củ cải được thu hoạch, vận chuyển đi tiêu thụ, trong khi nhiều diện tích đất khác tiếp tục xuống giống. Giá bán củ cải ổn định ở mức từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Vũ Văn Kỳ cho biết, rút kinh nghiệm từ sự cố trên, với nhiều giải pháp, thương hiệu củ cải trắng Tráng Việt hiện được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Nhiều khách hàng ở xa cũng liên hệ. Đây là cơ hội rất tốt để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, xây dựng nhà màng, nhà lưới để trồng củ cải quanh năm, kể cả những tháng nóng nhất của mùa hè. Tuy nhiên, ông Kỳ cũng không khỏi lo lắng, nếu người dân lại tiếp tục phá vỡ quy hoạch, mở rộng diện tích trồng quá lớn để chạy theo lợi nhuận, mà quên nâng cao chất lượng, phát triển thị trường thì tình trạng “được mùa mất giá” sẽ khó tránh khỏi.
Bài học phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm gắn với mở rộng thị trường không chỉ là của riêng xã Tráng Việt, mà của cả ngành nông nghiệp Thủ đô. Để khắc phục tình trạng này, thành phố Hà Nội cần sớm rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp, kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Người nông dân cần thay đổi tư duy, giảm dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thời vụ, chộp giật. Hướng tới ứng dụng công nghệ, sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, gây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. Chính quyền từng địa phương, các HTX, các doanh nghiệp cần đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất, đầu tư cơ sở vật chất để sơ chế, chế biến, đóng gói nông sản, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ. Phải hình thành sự kết nối giữa các hộ sản xuất và nhà phân phối các mặt hàng nông sản một cách ổn định, bền vững. Hiện, Hà Nội có 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ và hơn 600 hệ thống cửa hàng tiện ích, hơn 50 chuỗi kinh doanh thực phẩm, hàng trăm bếp ăn tập thể… là các kênh tiêu thụ sản phẩm rất tốt. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đã rà soát, cung cấp danh sách đơn vị, HTX sản xuất các sản phẩm có lợi thế của địa phương, thông tin tới các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm để kết nối, hợp tác. Cung cấp thông tin về doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi phân phối, chế biến, xuất khẩu… tới cho người nông dân, HTX sản xuất. Thành phố tổ chức cho các nhà sản xuất và phân phối gặp gỡ, tìm hiểu và ký kết hợp đồng tiêu thụ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm giá ổn định hơn khi người nông dân bị phụ thuộc vào thương lái.
Tuy nhiên, để kết nối hiệu quả, bài bản hơn, ngành nông nghiệp Hà Nội phải nắm vững các thông tin về diện tích gieo trồng, mùa vụ, sản lượng, loại hình nông sản, hình thức tiêu thụ của người nông dân, cung cấp thông tin đó cho cơ quan quản lý nhà nước như ngành Công thương, trung tâm xúc tiến thương mại…, từ đó thông tin đến các doanh nghiệp để chủ động kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trước khi bước vào mùa vụ, chứ không phải đến lúc thu hoạch mới làm. Phía doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch đặt hàng cả về sản lượng, mặt hàng, yêu cầu chất lượng, quy cách đóng gói, bao bì nhãn mác… giúp người nông dân chủ động sản xuất, cung ứng đúng yêu cầu. Hướng dẫn những tiêu chuẩn, quy định để có thể đưa hàng vào hệ thống phân phối để người nông dân biết, thực hiện. Phát hiện sớm tình trạng dư cung, báo cáo kịp thời với các cơ quan quản lý để có phương án xử lý ngay, giảm thiệt hại cho ngành nông nghiệp, giúp thị trường luôn ổn định, bảo đảm quyền lợi cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.