BVR&MT – Mới đây, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch một đoạn sông Tô Lịch dài 300 mét gần đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) bằng cách lắp 4 chiếc máy lọc công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản, nước sông đã cải thiện đáng kể, mùi hôi tanh giảm đi rất nhiều, thậm chí không còn ngửi thấy mùi.
Ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch một đoạn sông Tô Lịch dài 300 mét gần đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) bằng cách lắp 4 chiếc máy lọc công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản.
Dự án thí điểm do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.
Sau 4 ngày vào ngày 20/5, cán bộ của Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành lấy mẫu giám định chất lượng nước trên các đoạn sông Tô Lịch, hồ Tây được thí điểm ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại Nano – Bioreactor. Kết quả test nhanh chỉ số pH và DO (đo độ kiềm và lượng oxy hòa tan trong nước) cho thấy, tình trạng ô nhiễm có dấu hiệu cải thiện.
Một người dân sống trên đường Hoàng Quốc Việt đoạn gần sông Tô Lịch cho biết: “Chúng tôi phấn khởi khi tình trạng ô nhiễm của sông được cải thiện từng ngày. Nhiều năm sống ở đây, chưa khi nào chúng tôi có được môi trường sống tốt như vậy. Nhiều ngày theo dõi, tôi thấy nước sông trong hơn, váng bẩn trên mặt nước dần được phân hủy”.
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 29/5, tại khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano – Bioreactor trên sông Tô Lịch, có 4 máy Nano được lắp đặt vẫn đang hoạt động liên lục sủi bọt lên, mùi hôi, thối đã giảm đáng kể, thi thoảng mới thấy có mùi nhẹ.
Bác Huy, người chạy xe ôm ngày ngày vẫn đỗ chờ đón khách gần khu vực lắp đặt máy chia sẻ: “Nếu như trước đây chúng tôi đỗ xe ở đây phải đeo khẩu trang liên tục không thì không chịu được mùi hôi thối bốc lên từ sông Tô Lịch, nhất là những ngày nắng nóng mùi rất kinh khủng. Từ khi Hà Nội triển khai lắp đặt thí điểm 4 chiếc máy lọc công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản thì mùi hôi thối không còn nặng như trước nữa, nước đã trong hơn, váng bẩn đã gần biến mất”.
“Theo như tôi thấy từ khi lắp đặt công nghệ này thì các mùi hôi và nguồn nước bẩn đã giảm được khoảng 70%”, bác Huy vui mừng cho biết.
Được biết, các máy sục khí nano khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm phân cắt phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.
Hơn nữa chất xúc tác Nano Bioreactor sẽ kích hoạt các vi sinh vật có lợi, phân giải tức thì các chất bẩn, bùn, vi khuẩn có hại thành khí CO2 và nước H2O. Do vậy không còn khí độc H2S hay NH3 gây ra mùi hôi thối độc hại ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nữa.
Hoàng Tôn