Hà Nội phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2024

BVR&MT – Sáng nay 3/6, tại trụ sở Tòa nhà xanh Liên Hợp quốc (Hà Nội) đã diễn ra Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2024, với chủ đề “Chung tay hành động vì không khí sạch, Thành phố xanh”.

Thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và khí hậu, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí và sự suy giảm chất lượng không gian sống. Theo ước tính, thiệt hại về kinh tế – xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí xử lý trong tương lai (tương đương với 4% GDP của đất nước). Giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là một phần thiết yếu trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng bền vững, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm,…

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, cho biết: Thực hiện Văn bản số 1470/UBND-TNMT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội được UBND TP giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội phát biểu khai mạc sự kiện.

Với tinh thần đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, mở đầu cho Tháng hành động vì môi trường năm 2024, với thông điệp “Chung tay hành động – Vì một Hà Nội xanh”.

Cũng tại lễ phát động, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “UNDP đang đóng góp vào việc cải thiện chất lượng không khí trong nhiều lĩnh vực hoạt động tại Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi tiếp tục mở rộng hoạt động của mình về chất lượng không khí để giải quyết ô nhiễm không khí ở nguồn trong tương lai, ví dụ như thông qua việc hợp tác với chính quyền địa phương và cộng đồng để thử nghiệm các cách tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề đốt rác thải và phế phẩm nông nghiệp”.

Ô nhiễm không khí là mối lo cho sức khỏe, là vấn đề cấp bách cần sớm giải quyết. Ước tính, thiệt hại về kinh tế – xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 4% GĐP của đất nước. Không khí sạch là điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người, hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bến vững.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã ban hành các Kế hoạch quốc gia về chất lượng không khí của Việt Nam và Kế hoạch mới của Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đề ra những ưu tiên rõ ràng để mọi người cùng chung tay hành động.

Về phía UNDP, cơ quan này đang đóng góp vào việc cải thiện chất lượng không khí trong nhiều lĩnh vực hoạt động tại Việt Nam, bao gồm chuyển đổi năng lượng công bằng và hỗ trợ cam kết trung hòa khí thải của Việt Nam vào năm 2050, hỗ trợ các hoạt động về giao thông xanh, thúc đẩy xe điện và cơ sở hạ tầng sạc, về nền kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải, và thông qua đánh giá hàng năm về nhận thức của người dân về quản trị môi trường (PAPI).

Đánh giá về ảnh hưởng của chất lượng không khí tới sức khoẻ con người, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong đó, Việt Nam cũng ghi nhận ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm, nghĩa là trung bình cứ mỗi 7,5 giây lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh liên quan tới hô hấp do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Con số 70.000 người tử vong mỗi năm cũng cao gần gấp đôi tổng số người tử vong ở Việt Nam trong thời đại dịch COVID-19. Do đó, đại diện WHO Việt Nam cho rằng cần giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí như cách chúng ta đã làm với COVID-19 – một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Bà Angela Pratt chỉ ra rằng, để ứng phó hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đòi hỏi hành động ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, trong ngắn hạn, chúng ta cần có giải pháp để hạn chế người bị phơi nhiễm và bảo vệ những người có nguy cơ cao. Trong trung và dài hạn, cần giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân khiến người dân bị bệnh, ở trường hợp này là nguồn ô nhiễm – bao gồm giảm nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm từ giao thông, hạn chế đốt rác và đốt rơm rạ sau mùa vụ.

“Không khí sạch và bầu trời trong xanh không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn tạo ra các lợi ích xã hội và kinh tế đáng kể cho thành phố, cho xã hội và nền kinh tế của Việt Nam nói chung”, bà Angela Pratt khẳng định.

Chiếm 50,4% dân số, phụ nữ Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc chung sức cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thành phố bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan.

Trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tích cực tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hội thảo chuyên đề, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, chương trình trồng cây xanh – “Phụ nữ vun trồng tương lai”. Đặc biệt là các đoạn đường phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp, hạn chế rác thải nhựa, tái chế, tái sử dụng, mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón, sử dụng rơm rạ trồng nấm, vận động các hộ gia đình không đốt bếp than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày…

Các đại biểu phát động chương trình hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2024 tại Hà Nội.

Tại đây, Hội LHPN Thành phố Hà Nội đưa ra cam kết tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động “Phụ nữ Thủ đô chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh”. Đồng thời, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội phát động mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Hà Nội hãy là một tuyên truyền viên tích cực, lan toả những thông điệp ý nghĩa, hành động đẹp trong bảo vệ môi trường.

Bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết: “Mỗi phụ nữ trồng thêm một cây xanh, mỗi cơ sở Hội một công trình cây xanh, giảm thiểu sử dụng túi ni lông, phân loại và tái chế rác thải, sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác trái quy định để hạn chế ô nhiễm, khí thải, khói bụi… nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, vận động phụ nữ sản xuất sạch, bền vững”.

Chính vì vậy, Ngày Môi trường Thế giới là dịp cùng nhìn lại, ghi nhận và thúc đẩy các hành động chung tay vì một Hà Nội Xanh, là cơ hội để huy động sức mạnh cá nhân và tập thể cùng chung tay xây dựng thành phố Hà Nội xanh, sạch, thực hiện mục tiêu tạo nền kinh tế xanh cho tương lai phát triển bền vững, hướng đến một thành phố khỏe mạnh và đáng sống.

Sau lễ phát động, các đại biểu tiếp tục tham gia tọa đàm Ngày Môi trường Thế giới tại Hà Nội. Tại tọa đàm, các diễn giả đã trình bày tham luận về vấn đề chất lượng không khí, ảnh hưởng của chất lượng tới cuộc sống và một số sáng kiến, đề xuất toàn cầu về nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

Sơn Tinh