BVR&MT – Mới đây, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025 (Chương trình số 04).
Tạo nên thành công chung trong thực hiện chương trình này, nhất là trong xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo vào cuộc sát sao từ thành phố đến cơ sở, còn có sự chung sức rất lớn của người dân.
Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội hướng đến mục tiêu xây dựng NTM hiện đại, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó thành phố quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2025.
Nhiều mục tiêu hoàn thành và vượt chỉ tiêu
Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ việc tổ chức thực hiện Chương trình số 04, trong năm 2021, Hà Nội đã công nhận thêm 14 xã của hai huyện Ba Vì và Mỹ Ðức đạt chuẩn NTM. Theo đó, đến hết năm 2021, Hà Nội đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025; năm 2022, thành phố công nhận được thêm 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt chỉ tiêu được giao năm 2022 là 38 xã (thành phố giao 25 xã); trong năm 2023, các huyện, thị xã đăng ký có thêm 61 xã NTM nâng cao; dự kiến đến hết năm 2023 lũy kế thành phố có tổng số 172 xã NTM nâng cao, tăng 16 xã so với mục tiêu cả giai đoạn đến năm 2025 (thành phố giao 156 xã NTM nâng cao).
Chương trình số 04 có 33 chỉ tiêu. Ðến nay, đã có 23 trong số 33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc bảo đảm lộ trình đạt kế hoạch. Cụ thể, có tám chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2022 và hoàn thành so với mục tiêu của Chương trình năm 2025 gồm: Tỷ lệ các xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao; sản phẩm OCOP được công nhận; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải.
Ngoài ra, có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch giai đoạn 2021-2022 và dự kiến bảo đảm lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025; hai chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2022 và dự kiến bảo đảm lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025. Còn lại ba chỉ tiêu dự kiến bảo đảm lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025 gồm: thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM; 20% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Ðại cho biết, Chương trình số 04 là chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thủ đô. Sau hơn hai năm triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của nông dân, Chương trình đạt kết quả tích cực.
Hà Nội ngày càng có nhiều huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Nông thôn Hà Nội có cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa-xã hội, thể thao có chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú; bản sắc văn hóa được giữ gìn, tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM
Hà Nội luôn xác định Chương trình xây dựng NTM có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 100% số huyện, xã đạt chuẩn NTM, 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Ðại cho biết, trong quý II/2023, sở sẽ tham mưu tổ chức hội nghị của Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 thành phố Hà Nội để bỏ phiếu, xem xét đối với hai huyện Ứng Hòa và Ba Vì đạt chuẩn NTM năm 2022. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04 Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của thành phố, cũng như cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo từ thành phố đến cơ sở tiếp tục rà soát, bám sát các định hướng, mục tiêu, Nghị quyết của Trung ương và thành phố, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng ở Thủ đô, cần có sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác. Ðó là giá trị văn hóa, bản sắc lịch sử, những dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm… tưởng như vô hình nhưng lại có giá trị rất lớn làm nên thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Giai đoạn 2023-2025, Hà Nội cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.
Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với phương châm, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.