BVR&MT – Mới đây, Thành ủy Hà Nội vừa có Báo cáo số 530-BC/TU về tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.
Đáng chú ý, về dự kiến mục tiêu phấn đấu thực hiện nhiệm vụ trên năm 2020, sẽ tiếp tục triển khai phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu, đến năm 2020, thành phố có 85% trở lên số xã đạt chuẩn NTM (tăng 5% so với mục tiêu của chương trình), có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM. Hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo. Triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.
Toàn thành phố phấn đấu đến năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 50 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt từ 95% đến 100%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở các huyện, thị xã đạt 85% trở lên.
Phấn đấu đến năm 2025, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3 đến 3,5%; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 50% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố có thêm 5 quận mới (Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì); 100% huyện, xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo.
Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 60 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt từ 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 90% trở lên.
Đến năm 2030, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3 đến 3,5%/năm trở lên; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo.
Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô sẽ đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 98%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 0,5% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở các huyện, thị xã đạt 98% trở lên.
Thạch Thảo (Tổng hợp)