Hà Nội: Lựa chọn 15 giống lúa chất lượng trong chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao

BVR&MT – Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tiến hành rà soát Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao triển khai trên địa bàn thành phố và lựa chọn được 15 giống lúa chất lượng được gieo cấy trong Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. 

Với mục tiêu nâng cao giá trị trên hécta canh tác và cung cấp gạo ngon cho thị trường Hà Nội, Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Thông qua chương trình, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn thành phố sẽ không ngừng được mở rộng, tạo một hướng đi mới trong trồng lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao của người tiêu dùng Thủ đô.

Ảnh minh họa.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô hơn 100ha tại 86 hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện khu vực ngoại thành. Theo tính toán, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 25 đến 30% sản xuất lúa truyền thống, điển hình như các xã: Tam Hưng (huyện Thanh Oai), Quảng Phú Cầu, Phù Lưu, Hòa Phú, Minh Đức (huyện Ứng Hòa), Bắc Phú, Tân Hưng (huyện Sóc Sơn), Liên Hà (huyện Đông Anh)…

Đáng chú ý, thông qua Chương trình, một số giống lúa đã được khẳng định, trở thành giống cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tại các huyện được triển khai chương trình như: Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Đông Anh… đều cho thấy các giống lúa cho năng suất và chất lượng ổn định, có giá bán trên thị trường cao, được người tiêu dùng lựa chọn. Đáng nói, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã lựa chọn được 15 giống lúa chất lượng được gieo cấy trong Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, chủ lực trong cơ cấu gồm 4 giống lúa: Bắc thơm số 7 với diện tích hơn 11.990,4ha; tiếp đến giống lúa T10, Hương thơm số l, Nàng Xuân… với diện tích hàng trăm héc ta.

Thành công từ Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, không những tạo tiền đề thuận lợi cho các địa phương tiếp tục mở rộng sản xuất, mà còn thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào gieo cấy, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân…

Thạch Thảo