BVR&MT – Để tạo động lực phát triển thành phố phía Tây (Xuân Mai và Hòa Lạc) rộng 251km2, thời gian tới Hà Nội sẽ đầu tư 2,7 tỷ USD làm tuyến đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc.
TP Hà Nội đang xin ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là nghiên cứu xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô ở phía Tây (khu Xuân Mai và Hòa Lạc).
Trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ, đào tạo, giáo dục chất lượng cao
Với thành phố phía Tây, Hà Nội định hướng hạt nhân là khu Hòa Lạc có quy mô 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 135km2, dân số 1,08 triệu người; khu vực ngoại thị khoảng 116km2 với dân số 120 nghìn người.
Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, thành phố phía Tây được hình thành trên cơ sở các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai. Định hướng thành phố phía Tây có 16 phường và 8 xã. Đây là trung tâm khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo của Thủ đô trong tương lai.
Cụ thể, khu vực Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Khu Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm khởi nghiệp.
Hà Nội định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan trung tâm thành phố phía Tây dựa trên nguyên tắc tôn trọng cảnh quan hiện trạng với đặc trưng là hệ thống núi và mặt nước sông Tích.
Thành phố phía Tây được chia làm 3 khu vực cụ thể gồm: Trung tâm hành chính – chính trị – khoa học công nghệ (186ha), trung tâm văn hoá – thể thao – vui chơi giải trí (74ha), trung tâm giáo dục đào tạo – văn phòng thương mại dịch vụ (100ha).
Làm đường sắt nối nội thành với thành phố phía Tây
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố xác định mục tiêu đến năm 2035, cơ bản hoàn thành di chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô để thành lập các khu đô thị hiện đại, khu đô thị đại học thông minh; giảm ùn tắc giao thông nội đô. Trước mắt, thành phố ưu tiên đầu tư đường sắt Văn Cao – Hòa Lạc.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc có chiều dài 38,43km, trong đó có 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dọc tuyến đường sắt đô thị có 21 ga và 2 khu depot.
Tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 khoảng 65.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD). Hà Nội dự báo giai đoạn đầu, tuyến đường sắt này vận chuyển khoảng 273 nghìn lượt khách/ngày đêm. Vận tốc trung bình tàu chạy khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h.
Để tạo tiền đề phát triển thành phố phía Tây, tháng 11/2023, TP Hà Nội đã tiếp nhận Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ, với diện tích quy hoạch là 1.586ha, nằm trên địa bàn hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai.
Quy mô dân số Khu công nghệ cao theo dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó thường trú khoảng 99.300 người. Tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư lấp đầy mới đạt khoảng 240ha. Hiệu quả sử dụng đất chưa đạt yêu cầu.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý tạo điều kiện thuận lợi để thành phố cụ thể hóa mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai.