Hà Nội di dời hơn 100 cây hoa sữa ven hồ Tây

BVR&MT – Do mật độ trồng dày đặc, mùi hoa sữa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, TP. Hà Nội đã cho di dời hơn 100 cây hoa sữa tại đường Trích Sài (phường Bưởi, quận Tây Hồ) lên trồng ở bãi rác Nam Sơn nhằm hạn chế mùi rác.

Theo kiến nghị của người dân khu vực, vào mùa hoa sữa nở thường tỏa ra mùi hương rất khó chịu, khiến chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, rễ cây mọc còn làm nứt lở vỉa hè, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Chính vì vậy TP. Hà Nội đã phê chuẩn kế hoạch chuyển bớt khoảng 106 cây hoa sữa lên trồng ở bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), tạo bước đệm để giảm bớt mùi rác và giải quyết bức xúc của người dân. Việc di dời dự kiến trong vòng 30 ngày.

Hơn 100 cây hoa sữa tại tuyến phố Trích Sài đã được cắt tỉa để di dời.

Được biết, những cây hoa sữa được trồng trên tuyến đường này từ năm 2000 đến 2004. Trong số hơn 100 cây, chỉ có 6 cây đầu và giữa phố được giữ lại theo nguyện vọng của số đông dân cư. Phần đất trồng hoa sữa trước kia sẽ được xem xét trồng một số cây thay thế như muồng hoa vàng, phượng.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu, không chỉ phố Trích Sài mà nhiều tuyến phố khác như Nguyễn Chí Thanh cũng trồng hoa sữa tương đối nhiều. Toàn thành phố hiện có khoảng 6.000 cây hoa sữa. Sắp tới, thành phố sẽ lên kế hoạch đánh chuyển hoa sữa để đảm bảo mật độ cây hài hòa hơn.

Gạch đá tập kết ngổn ngang trên vỉa hè tuyến phố Trích Sài.

Mặc dù vậy, bên cạnh sự ủng hộ cũng có không ít ý kiến phản ánh liên quan tới hiện trạng mỹ quan đô thị thời điểm các đơn vị chức năng tiến hành công tác di dời. Theo đó, tuyến đường sau khi chặt hạ cây hoa sữa trở nên khá lộn xộn. Những gốc cây, cành lá nằm vất vưởng trên lề đường, mặt phố cùng ngổn ngang vật liệu xây dựng.


Ngoài ra, nhiều người qua lại đường ven Hồ Tây bày tỏ ý kiến không nên chặt hạ cây vào thời điểm Hà Nội nắng nóng vì những cây hoa sữa có đường kính lớn, tạo bóng mát cho cả tuyến phố Trích Sài.

“Chúng tôi hy vọng sau khi di chuyển cây tới bãi rác Nam Sơn, thành phố sẽ cho trồng lại các loại cây khác để trả lại bóng mát cho tuyến đường”, một người dân cho biết.

Hà Linh