BVR&MT – Lợn giảm giá lâu và sâu khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi nói chung và xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam nói riêng (nơi được coi là thủ phủ của ngành chăn nuôi lợn tại miền bắc) rơi vào tình trạng điêu đứng vì nợ nần, kinh tế chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, xác định chăn nuôi vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân, cho nên cùng với người chăn nuôi, tỉnh Hà Nam cũng đang tích cực tìm nhiều giải pháp để giúp người nuôi giữ đàn.
Người dân phải chủ động được nguồn thức ăn
Theo người chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ, chưa bao giờ giá lợn lại xuống thấp và kéo dài như hiện nay. Trước đây, giá lợn xuống rồi sẽ lên nhanh chóng, nhưng lần này giá lợn lao dốc từ 56 nghìn đồng/kg thịt hơi xuống đáy, có thời điểm tụt xuống còn 18 nghìn đồng/kg, thậm chí là 16 nghìn đồng/kg. Chỉ cần bán trước, sau khoảng một, hai ngày, người chăn nuôi có thể mất thêm cả trăm triệu đồng.
Xã Ngọc Lũ có hàng nghìn hộ nuôi lợn, hộ nào nuôi ít thì cũng 50 con, nuôi nhiều thì đến khoảng 2.000 con, hộ lỗ ít thì trăm triệu đồng, còn lỗ nặng có thể lên đến hàng tỷ đồng. Với giá lợn hơi giảm mạnh như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đã bị thua lỗ khoảng 1-2 triệu đồng, tùy theo phương thức chăn nuôi. Nếu không chủ động được con giống, họ sẽ lỗ từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/con. Còn hộ tự nhân giống ở chuồng trại lỗ ít nhất một triệu đồng/con.
Chính vì giá lợn lao dốc không phanh nên nhiều hộ chăn nuôi dù có đàn lợn xuất chuồng vẫn không dám bán, vì bán rồi họ lỗ quá nặng, chưa chắc trả đủ tiền thức ăn cho đại lý, chứ không tính đến việc lấy vốn tái đàn chăn nuôi. Ước tính trong đợt giảm giá này, các hộ chăn nuôi lợn ở Ngọc Lũ thất thu ít nhất là gần 200 tỷ đồng.
Khác với hàng nghìn hộ nuôi lợn tại xã Ngọc Lũ, gia đình ông Lê Văn Luyến là một trong số ít những hộ có thể cầm cự được đàn lợn lên đến gần 300 con đến thời điểm này. Có tới hơn 30 năm trong nghề nuôi lợn, ông Luyến hiểu rằng, lúc này là thời điểm khó khăn nhất của người chăn nuôi và đây cũng là điều tất yếu do tác động của cơ chế thị trường mà người chăn nuôi khó tránh được. Do vậy, hơn lúc nào hết, người chăn nuôi cần hết sức bình tĩnh, tính toán căn cơ để có thể cứu vãn được đàn lợn và kinh tế cho gia đình.
Với gia đình ông Luyến, từ hơn một tháng nay, khi giá lợn hơi liên tục giảm giá, ông đã tính đến phương án phải chủ động nguồn thức ăn cho đàn lợn. Ông không vội bán đổ, bán tháo mà mày mò tính toán và tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có ở ngay tại địa phương như rau bèo, rau khoai, cá vụn, cám gạo, cám ngô và lạc… và nghiên cứu cách pha trộn, bào chế để bảo đảm nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho đàn lợn, giảm đáng kể giá thành và không còn phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp như trước đây.
Có lẽ, đó là lý do giải thích vì sao gia đình ông vẫn giữ được đàn lợn gần 300 con, trong đó có đến khoảng 60 con lợn thịt, còn lại là hơn 200 con lợn giống và lợn nái. Theo tính toán của ông Luyến, bán đổ, bán tháo sẽ tạo cơ hội cho tư thương tiếp tục ép giá khiến người chăn nuôi bị lỗ nặng khoảng từ 2-3 triệu đồng/con lợn.
Chính quyền, doanh nghiệp đồng hành cùng người chăn nuôi
Trong đợt giá lợn xuống quá thấp này, người nuôi lợn tại huyện Bình Lục đang vô cùng hoang mang và lo lắng vì họ đã mất hàng trăm tỷ đồng. Ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch huyện Bình Lục cho biết: Để đối phó với tình hình hiện nay, huyện động viên bà con phải bình tĩnh để tìm hướng khắc phục, đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con tận dụng nguồn thức ăn phối trộn để chủ động nguồn thức ăn, giảm chi phí giá thành để cầm cự đàn lợn, tránh bán đổ, bán tháo; tuyên truyền bà con giữ đàn lợn nái để có thể tái đàn trong thời gian tới.
Huyện cũng đề xuất với các công ty cám giảm giá thành thức ăn trong chăn nuôi, cụ thể là Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Tân Việt giảm 5% giá cám cho bà con chăn nuôi trong huyện.
Về vốn vay, bà con đang vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quỹ tín dụng đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, các tổ chức tín dụng giãn nợ cho bà con và có cơ chế chính sách hỗ trợ một phần lãi xuất cho vốn vay để giúp bà con hạn chế thiệt hại trong tình hình giá cả thấp như hiện nay; mặt khác, tiếp tục thực hiện liên kết bốn nhà trong chăn nuôi.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam, đến nay, toàn tỉnh có trên 281 nghìn hộ chăn nuôi lợn với hơn 507 nghìn con lợn thịt. Đa số hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Hà Nam đều sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp và cho ăn thẳng. Hầu hết số thức ăn công nghiệp đều được mua theo hình thức trả chậm tại các đại lý (có nghĩa là đến khi bán lợn người mua mới phải thanh toán tiền cho đại lý). Nhưng hiện nay, nhiều đại lý chỉ bán cám cho các hộ chăn nuôi khi có đủ tiền mặt. Nhiều hộ cũng không thể vay được vốn ngân hàng do còn dư nợ chưa có khả năng thanh toán, do đó rất khó thực hiện việc giữ đàn, không bán phá đàn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho rằng: Ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi lợn ở thời điểm này cần bình tĩnh, tìm giải pháp về nguồn thức ăn để duy trì đàn lợn đang nuôi. Tránh tình trạng người nuôi bỏ dài không cho lợn ăn gây dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa phương; khuyến khích, kích cầu người tiêu dùng tiêu thụ lợn ngay trong nội địa. Tỉnh Hà Nam cũng đã xây dựng xong quy hoạch phát triển nông nghiệp, theo đó sẽ cân đối việc phát triển đàn lợn phù hợp nhất, không để phát triển nóng như thời gian vừa qua.
Bài học rút ra cho người chăn nuôi trong thời điểm này nằm trong quy trình sản xuất cũng như kinh doanh, người dân cần cân đối được ít nhất 50% nguồn vốn để hạn chế được những rủi ro khi giá cả thị trường bếp bênh. Tuy giá lợn chạm đáy, song nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Hà Nam vẫn cố gắng xoay xở tiền mặt để có được nguồn thức ăn, duy trì khoảng 70% khẩu phần ăn hằng ngày cho đàn lợn, không muốn bán đổ, bán tháo lợn để chờ cơ hội tăng giá trở lại.
Trong vài tháng tới, nếu giá thịt lợn hơi không tăng, không bảo đảm giá thành sản xuất khoảng từ 35-38 nghìn đồng/kg, thì tùy theo từng phương thức chăn nuôi, nhiều hộ sẽ không đủ điều kiện kinh tế để cầm cự; số hộ chăn nuôi, tổng đàn lợn của tỉnh Hà Nam tiếp tục giảm mạnh.
Trong tình hình này, tỉnh Hà Nam cần sớm chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, có hình thức hỗ trợ tiền lãi xuất vốn vay cho các hộ nuôi lợn; đồng thời làm việc với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi về vấn đề giảm giá thức ăn chăn nuôi. Các bộ, ngành Trung ương cần tìm ra giải pháp cụ thể để có hướng tiêu thụ đàn lợn cho người chăn nuôi.