BVR&MT – Nước sông Mê Kông ở phía đông bắc Thái Lan trong vắt đến nỗi ánh nắng mặt trời rọi xuống tận đáy sông, biến dòng nước thành một bể cá trống rỗng, lấp lánh. Khung cảnh đẹp nhưng đồng nghĩa với chết chóc.
Vào thời điểm này trong năm ở Thái Lan, đoạn sông của dòng sông màu mỡ nhất thế giới này thường mang màu nâu chở nặng phù sa. Nhưng đợt hạn hán kéo dài và một con đập khổng lồ ở Lào – nước đầu tiên ở hạ nguồn sông Mê Kông đã lấy đi các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự sống.
Ở một khúc quanh khác, sông Mê Kông gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại một dòng nước tù đọng bao quanh là trập trùng núi đồi và những bộ rễ cây khô khốc. Mùa này là lúc cá thường dẻ trứng ở đây nhưng không có nước.
“Lưới gần như trống trơn, có lẽ cuộc sống dựa vào sông nước của chúng tôi đã kết thúc”, Buorot Chaokhao, người đã đánh cá ở Nong Khai giáp ranh biên giới trên sông với Lào trong gần năm thập kỷ than thở.
Hạ nguồn Mê Kông chảy qua năm quốc gia và Mê Kông là một trong những con sông tự do còn lại trên thế giới. Nhưng sự bùng nổ thủy điện cùng với các kiểu thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang thay đổi triệt để tuyến đường thủy này.
Tháng 10/2019, sau một chuỗi các cuộc thử nghiệm vào mùa hè, các tuabin của đập Xayaburi – đập đầu tiên hạ nguồn Mê Kông đã khiến nhiều khu vực của Thái Lan bị hạn hán nghiêm trọng. Người dân cho biết hậu quả của con đập do Thái Lan cấp vốn gần như bộc lộ ngay lập tức.
Sông Mê Kông trong vắt và nghèo kiệt, chuyển sáng một màu xanh kỳ lạ, lấp lánh vào những ngày nắng. Tảo nở rộ, mắc đầy vào lưới đánh cá. Bây giờ, một đợt hạn hán kéo dài hàng tháng làm mực nước xuống thấp hơn, nhiều đoạn sông không có vẻ gì còn là một tuyến đường thủy mà là một sa mạc ngập thực vật chết khô và động vật giáp xác còng queo.
Khoảng 10 con đập nữa được lên kế hoạch xây trên dòng chính hạ nguồn Mê Kông và hàng trăm đập ở các dòng nhánh, huyết mạch cho 60 triệu người đang bị bóp nghẹt. Hàng chục triệu người nữa sẽ bị ảnh hưởng khi canh tác và ngư nghiệp bị tổn hại, chỉ có những người giàu có và quyền lực trong khắp khu vực thu lợi từ thủy điện.
“Chúng tôi đặt ra câu hỏi: Đây có phải là điểm tan rã của sông Mê Kông không? Hệ sinh thái con sông có khả năng thích nghi và chống chịu nhưng điều đáng lo ngại là cơ sở tài nguyên khổng lồ của dòng sông không thể chống chọi nổi với tất cả các con đập và thời tiết cực đoan này”, Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson và là tác giả cuốn sách “Những ngày cuối cùng của sông Mê Kông vĩ đại” chia sẻ.
Sông Mê Kông kiệt quệ đến nỗi chính phủ Thái Lan vốn xưa nay khá lỏng lẻo trong việc bảo vệ môi trường nhưng ngày 5/2 đã ra tuyên bố từ chối tham vọng lâu nay Trung Quốc vốn theo đuổi là nổ mìn phá đá ngầm trên sông để tạo điều kiện cho tàu thuyền lớn hơn đi qua và giao thương nhiều hơn. Các nhóm môi trường cảnh báo việc thao túng thêm dòng sông có thể gây ra thảm họa.
Kể từ khi Trung Quốc, quốc gia đầu nguồn của sông Mê Kông được băng tan cung cấp nước bắt đầu xây đập vào đầu thế kỷ này, dòng sông đã cho ít cá hơn. Đối người dân hạ nguồn từng trông vào nghề đánh bắt nội địa dồi dào nhất thế giới để có phần lớn chất đạm, sự thay đổi này quả là thảm họa.
Amkha Janlong, 69 tuổi, nhớ lại cách đây không lâu, bà vẫn ra một bến thuyền ở Nong Khai xem những người đàn ông kéo lưới được những con cá dài và nặng hơn họ. Loài lớn nhất, cá tra dầu còn nặng hơn một con hổ và đủ cho cả làng ăn.
Những ngày đó đã qua.
Ở vài nơi, ngư dân phải dùng thuốc nổ để đánh bắt chút cá ngày càng còm cõi.
“Cá ngày càng bé hơn”, Amkha nói. Khi bà ấy còn nhỏ, cá đánh bắt được to bằng cả vòng tay người. Giờ chỉ còn nhỏ như ngón tay út.
Từ khi đập Xayaburi bắt đầu vận hành vào tháng 10 năm ngoái, Wittaya Thongnet, con rể bà Amkha đã bỏ nghề đánh cá. “Có gì để đánh bắt đâu”, anh chia sẻ.
Wittaya vẫn chưa dám thú nhận với mẹ vợ rằng cá bà vẫn ăn hàng ngày không phải do anh đánh bắt được mà mua ở chợ. “Mẹ tôi vẫn chưa hiểu dòng sông đã thay đổi đến thế nào đâu”, anh tâm sự.
Ngư dân ở Nong Khai đã từng canh tác để có thêm thu nhập, cả những người kén cá chọn canh cũng phải làm nông. Khi nước rút từ bờ sông, ông Buorot buộc phải dùng máy bơm để nuôi dưỡng những mảnh ruộng ven sông.
Vào tháng 12, một đợt xả nước bất ngờ từ Xayaburi đã làm ngập ruộng rau diếp. “Lúc quá ít nước, lúc lại quá nhiều nước. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nữa”, ông vừa nói vừa lắc đầu.
Gần bốn tháng sau khi các tuabin của con đập bắt đầu quay, người dân hạ nguồn chìm vẫn mù tịt về nó dù việc mở và đóng các cửa đập ảnh hưởng đến hàng triệu người. Chính phủ Lào cho biết đã công khai lịch hoạt động của con đập không phải là nhiệm vụ của họ và ám chỉ rằng Ủy hội sông Mê Kông là bên phù hợp hơn để cung cấp thông tin cập nhật.
Nhưng Ủy hội chỉ có thể phổ biến tin tức nếu có ai đó thông báo chọ họ. Một nhóm hoạt động về quyền ở Nong Khai được cho biết Cục Thủy lợi Thái Lan là cơ quan chịu trách nhiệm thông báo cho dân làng về dòng chảy từ đập nhưng các quan chức chính phủ phủ nhận điều đó.
Điện lực Thái Lan, bên đang mua điện từ Xayaburi và nhà điều hành đập (được nhận nguồn đầu tư của Thái Lan) đang đùn đẩy cho nhau. Không bên nào trả lời câu hỏi về các hoạt động của con đập.
“Sông Mê Kông đã khô cạn mà cho đến ngày hôm nay vẫn chưa có thông tin nào được cung cấp”, Chainarong Setthachua, giảng viên thuộc Đại học Mahasarakham ở Đông bắc Thái Lan, người đã nghiên cứu về sông Mê Kông 25 năm, than thở.
Eyler cho rằng sự im lặng đó là cố ý.
“Có vẻ như người ta có chủ đích tạo ra sự thiếu sót trong truyền thông như thế này”.
Dưỡng chất của Mê Kông suy giảm và dòng chảy không thể dự đoán được, các nông dân cho biết họ phải sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, vừa tốn kém vừa có hại khi dùng quá liều.
Buorot cho biết ông từng dự trữ hóa chất cho ruộng thuốc lá để bán nhưng giờ phải phun cho cả rau cho gia đình ăn.
“Tôi lo cho sức khỏe của chúng tôi, nhưng đó là cách duy nhất để cây cỏ lớn lên”.
Năm ngoái, một công ty khai thác cát của Thái Lan tiếp cận các quan chức ở làng Ban Nam Phrai, nơi ông Buorot sống xin phép nạo vét đáy sông. Cát từ sông Mê Kông được sử dụng để san lấp mặt bằng và làm nguyên liệu sản xuất bê tông đã góp phần xây dựng lên các đô thị châu Á, từ Singapore đến Thành phố Hồ Chí Minh, làm xói mòn thêm hệ sinh thái sông.
Dân làng Ban Nam Phrai nói không, ít nhất là trong thời điểm hiện tại nhưng cát là mặt hàng dồi dào mà dòng sông vẫn sở hữu.
Điện đập Xayaburi sản xuất ra không cần thiết cho khu vực này. Theo các nhà nghiên cứu Thái Lan, lưới điện nước này đã đủ điện, thậm chí thặng dư 30% vào một số thời điểm nhất định trong năm. Nhưng các con đập, dù được xây dựng bởi người Thái, người Việt hay phần lớn là các công ty Trung Quốc cũng chủ yếu mang lại lợi ích cho cư dân đô thị và giới thượng lưu. Ngư dân và nông dân là những người chịu thiệt thòi.
Brian Eyler chỉ rõ rằng do tác động tổng hợp của các con đập, biến đổi khí hậu và khai thác cát vài năm qua, có tới 300.000 người đã rời bỏ đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam mỗi năm bởi dòng sông không còn duy trì được cuộc sống của họ. Một số vùng của đồng bằng, nơi có 20% dân số Việt Nam sống đang chìm xuống biển.
Trong ngôi chùa Hai Sok trên bờ sông Mê Kông ở Thái Lan, nhà sư Phitakchai Jaruthammo nói rằng từng có tới 28 loài cá sinh sôi nảy nở ở những vùng nước này – nơi sinh sản quan trọng cho toàn bộ hệ thống sông.
Một chiếc thuyền đuôi dài tất tưởi chạy qua, bánh lái được kéo lên cao để tránh chạm đáy. Dòng sông gần như cạn khô ở một đôi chỗ uốn khúc.
“Khi bạn xây đập và đánh cắp cát thì bạn thay đổi diễn trình dòng sông và bạn thay đổi cả diễn trình cuộc sống”, nhà sư nói.
Nhật Anh (Theo New York Times)