BVR&MT – Nhiều năm qua, cùng với sự đầu tư từ Trung ương, Hà Giang đã có nhiều chương trình cụ thể nhằm phục hồi và phát triển rừng tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá…. Nhờ đó, độ che phủ của rừng không ngừng được tăng lên từ 39,9% năm 2000, đến cuối năm 2018 là 56,5%.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Giang có trên 40 nghìn ha rừng tự nhiên với trữ lượng lâm sản lớn và đa dạng về chủng loại đang được triển khai bảo vệ nghiêm ngặt; trên 21 nghìn ha rừng tái sinh được khoanh nuôi, phục hồi và phát triển; trên 1.600 ha các loại cây bản địa như thông nhựa, bồ đề, xa mộc; và khoảng 2.100 ha cây công nghiệp và các loại cây dược liệu quý như đỗ trọng, thảo quả, xuyên khung… Trên các cánh rừng tự nhiên của Hà Giang, ngoài những loại gỗ quý hiếm như: gỗ đinh, nghiến, kháo đá, thông đá, pơ mu…, các cánh rừng của Hà Giang còn có nhiều loại cây nguyên liệu phục vụ cho sản xuất giấy như: mỡ, tre, nứa và các loại song mây phục vụ cho xuất khẩu.
Trong những năm qua, nhờ chính sách đầu tư phát triển rừng của Trung ương và những định hướng trong công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng của tỉnh Hà Giang như: chính sách giao rừng và đất rừng đến hộ và nhóm hộ gia đình, chính sách hỗ trợ lương thực cho các hộ trồng rừng, chính sách hỗ trợ chất đốt cho đồng bào vùng 4 huyện cao nguyên đá (gồm huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ)… đã góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy được chấm dứt; nhờ đó, các cánh rừng được bảo vệ tốt hơn. Từ đó, hình thành nên các cơ sở sản xuất và chế biến lâm sản tại nhiều vùng trong tỉnh.
Riêng tại huyện Quang Bình, sau 10 năm triển khai công tác trồng rừng (từ 2009 – 12/2018) toàn huyện đã trồng mới được 9.780 ha rừng, trong đó rừng thuộc Dự án 661 là 3.765 ha, rừng thuộc Chương trình 135 là 610 ha, rừng do người dân tự túc và các doanh nghiệp tham gia trồng rừng là 4.420 ha. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quang Bình đã có khoảng 15 cơ sở chế biến lâm sản nhằm phục vụ cho quá trình khai thác và sơ chế các sản phẩm từ rừng sản xuất. Điều đó đã tạo điều kiện cho công tác ổn định dân cư, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo đối với những người dân có thu nhập từ rừng…
Để thúc đẩy công tác phát triển rừng, tỉnh Hà Giang đã ưu tiên mở rộng và phát triển hệ thống đường giao thông tại các vùng quy hoạch phát triển rừng và các cánh rừng. Đây là cơ sở để phục vụ nhu cầu đi lại, chăm sóc, bảo vệ, tu bổ và khai thác các sản phẩm từ rừng với khối lượng ngày càng lớn.
Ngoài ra, do diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng còn khá lớn (vào khoảng 58.230 ha), tỉnh Hà Giang thực hiện chủ trương khuyến khích hộ và nhóm hộ, các doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng rừng theo mô hình nông – lâm kết hợp; khuyến khích các cá nhân, tập thể phát triển và mở rộng mô hình kinh tế trang trại, nhất là trang trại trồng rừng cây nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức và các hộ là chủ rừng đã phát huy được tính đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng kiểm lâm và người dân trên địa bàn. Nhờ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, tỉnh Hà Giang tham gia vào Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học. Hoạt động này cũng đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng; tiến hành xử lý nghiêm tập thể và các cá nhân tham gia khai thác lâm sản trái phép tại rừng đặc dụng Phong Quang huyện Vị Xuyên và các vụ vi phạm lâm luật xảy ra tại các huyện Bắc Quang, Bắc Mê…. Nhờ đó, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được giảm đáng kể cả về số vụ và mức độ vi phạm.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Để nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm của tỉnh cần quan tâm rà soát, đánh giá, nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm lâm trên địa bàn, xây dựng phương án thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2020 và đề xuất với UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ kiểm lâm trên địa bàn. Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải thực sự là tấm gương sáng trong bảo vệ và phát triển rừng để các Hạt Kiểm lâm học tập và làm theo.