BVR&MT – Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo đã có từ lâu đời trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. Theo phong tục của người Pu Péo, sẽ có một khu rừng cấm riêng được người dân ra sức giữ gìn và bảo vệ bởi những luật tục và có những điều cấm kỵ riêng biệt. Nơi chứa ngụ những đấng tin tối cao của người dân tộc Pu Péo sinh sống tại Hà Giang.
Lễ cúng rừng hàng năm được diễn ra vào ngày 6/6 âm lịch tại thôn Chúng Chải, xã Phố Là, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Theo như phong tục từ xưa thì trước ngày diễn ra sự kiện cúng mọi người trong làng sẽ cùng bàn với nhau để phân chia công việc từng người phụ trách và cần chuẩn bị những vật phẩm để cúng tế Thần Rừng. Người dân Pu Péo quan niệm rằng khu rừng cấm chính là nơi cư ngụ của Thần Rừng, vị thần này sẽ bảo vệ dân làng, Thần Rừng sẽ ban đến cuộc sống ấm no hạnh phúc, gia đình đầm ấm đủ đầy, không bệnh tật đau ốm,.. nên dân làng không được phép xâm phạm đến nơi ở của thần, càng không được chặt cây, phá hoại rừng và săn bắt thú.
Người Pu Péo tin tưởng rằng, Thần Rừng sẽ che chở dân làng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, những gì liên quan đến người dân Pu Péo thì đều được vị Thần Rừng này bảo hộ. Mỗi làng bản của người Pu Péo sẽ có một khu rừng cấm riêng, không làng nào giống làng nào. Lễ cúng Thần Rừng cũng là dịp để người dân trao những mong ước, gửi gắm hy vọng cho một năm mới đủ đầy, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe. Có thể nói, Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo Hà Giang là một nghi lễ truyền thống rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Pu Péo. Lễ cúng Thần Rừng còn mang trong mình ý nghĩa phồn vinh, một ngày mai tươi sáng, cố gắng lao động hăng say và đạt được những thành quả cao trong nông nghiệp sản xuất.
Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo tại Hà Giang ngoài ý nghĩa tín ngưỡng quan trọng ra thì lễ cúng Thần Rừng còn có một ý nghĩa giáo dục rất cao. Dạy cho người dân sống trong làng có tình yêu thiên nhiên, biết chung sống và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên hoang dã. Những hoạt động sau buổi cúng thì dân làng sẽ ngồi quây quần cùng nhau, cùng nhau thưởng thức bữa ăn và cùng ngồi trò chuyện, chia sẻ về những điều trong cuộc sống hay thậm chí là những lần thất bại trong sản xuất và có được kinh nghiệm chỉ bảo nhau,… Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo tại Hà Giang cũng đã tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên với nhau, với thiên nhiên đất trời, cùng hòa hợp sống chung một bầu không khí.
Đến ngày làm lễ, đại diện của mỗi hộ gia đình sẽ cử một người mang những món lễ vật đã được chuẩn bị từ trước đến nhà của một hộ gia đình ở sát bìa rừng. Chỉ định người nấu cơm, luộc trứng hoặc thịt lợn và dọn dẹp địa điểm cúng, chuẩn bị củi lửa,…
Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, lễ vật sẽ được mang ra địa điểm chọn cúng bái để bắt đầu thỉnh thầy làm nghi thức cúng Thần Rừng. Thầy cúng sẽ được dân làng chọn từ trước và phải là người có uy tín và được dân làng coi trọng nhất trong làng.
Xem xét qua thì trong Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo Hà Giang lập đàn cúng cũng khá đơn giản, đàn cúng được làm bằng những cành cây nhỏ, cứng cáp còn để nguyên lá và cắm sâu xuống đất sao cho các cành đan vào nhau. Tiếp đó vị thầy cúng sẽ lần lượt lấy lá chuối hoặc lá rong chải lên bàn thờ, tiếp đó là đặt cơm nắm và trứng luộc lên bàn thờ.
Theo như phong tục trong Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo Hà Giang phần cúng dâng lễ hay còn gọi là lễ cúng sống. Các lễ vật bày biện để cúng Thần Rừng là thịt gà, dê, cơm nắm, trứng luộc hoặc thịt luộc. Sau khi sắp xếp các lễ vật lên đàn cúng xong thì thầy cúng sẽ bắt đầu đốt hương chia làm 3 phần: cắm ở hai bên và chính giữa đàn cúng.
Mở đầu phần cúng dâng lễ, thầy cúng sẽ rót rượu vào 4 cái chén và bắt đầu đọc một bài sớ với nội dung như bạch với Thần Rừng rằng hôm nay là ngày lành tháng tốt, dân làng cùng dâng các lễ vật mong các vị thần về tham dự lễ cúng và chứng minh cho lòng thành kính của dân tộc người Pu Péo Hà Giang.
Tiếp theo là thầy cúng sẽ tiến hành đọc tụng các bài cúng với từng món lễ vật được dâng lên Thần Rừng và cả tổ tiên các dòng tộc. Các nội dung phần đọc tụng bao gồm: mời Thần Rừng về dự lễ cúng, xin Thần Rừng chứng nhận lòng thành của dân làng, liệt kê những phẩm vị đã dâng lên và mong nhận được sự chấp thuận của vị thần. Kết thúc bài cúng sẽ là lúc Thần Rừng và các vị thần khác đã sum họp đầy đủ và chấp nhận các lễ vật mà dân làng đã dâng lên tế.
Phần thứ 2 trong Lễ hội cúng Thần Rừng là phần cúng chính. Trong các phẩm vật đã dâng lên cúng có một con dê đã được làm thịt sẵn Thầy cúng sẽ ra lệnh đan một tấm phên nhỏ đặt trên một thanh tre cao khoảng 1m ở đối diện bàn thờ cúng chính. Phía trên sẽ đặt một tấm lá rong, tiết dê sẽ được chấm nhiều chấm nhỏ trên đó. Đây được xem là cách để những hồn ma dữ không về phá rối Lễ cúng Thần Rừng, và vị thầy cúng đó cũng khấn vái cho những hồn ma đó về cùng tham dự.
Sau khi khấn vái các hồn ma lang thang về tham dự, thầy cúng sẽ tiến hành đến bài cúng chính của Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo Hà Giang. Với những phần nội dung như kể về công lao của Thần Rừng, sự tích trời đất và người dân trong các buôn làng thuộc tộc người Pu Péo sẽ không bao giờ quên công ơn, nguồn gốc của Thần Rừng và các vị tổ tiên hay các vị thần đã che chở bảo vệ họ.
Sau đó sẽ tiếp tục xin các vị Thần Rừng và tổ tiên sẽ phù hộ cho người dân trong tộc người Pu Péo sẽ có một năm làm ăn khấm khá, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…. Kết thúc những điều cầu xin trên, thầy cúng sẽ dùng một con dao nhỏ bước đến bàn cúng của các vong hồn lang thang, trái ngược với bàn cúng của các vị thần và tổ tiên. Bàn cúng của các vong hồn lang thang, thầy cúng sẽ kể tội các vong hồn đã phá hoại, làm điều không tốt đến dân làng, sau đó thầy sẽ dùng con dao nhỏ kia hất đổ bàn cúng với ý nghĩa xua đuổi đi những điều không tốt tránh xa khỏi dân làng. Đó cũng là phần cuối cùng trong lễ chính. Sau khi hoàn thành xong các người dân trong làng sẽ cùng quây quần ăn uống trò chuyện cùng nhau
Lễ cúng Thần Rừng của người Pu Péo Hà Giang là một lễ hội rất ý nghĩa, người dân có dịp để tỏ lòng thành với các vị thần, các vị tổ tiên đã ngày đêm theo dõi và bảo vệ họ. Đây là một truyền thống rất tốt đẹp của người dân Việt Nam cần được lưu truyền, gìn giữ và phát huy.
Sơn Tinh