Bối cảnh – Huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) được xác định là một trong những huyện trọng tâm phát triển du lịch cộng đồng. Nhằm phát triển thành khu du lịch quốc gia, đáp ứng mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất toàn cầu cho phát triển du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung của tỉnh. Việc phát triển dược liệu nằm trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Giang.
Vườn bảo tồn cây thuốc quốc gia của tỉnh Hà Giang dự kiến sẽ được triển khai trên địa bàn xã Quản Bạ, là cửa ngõ đi vào Cao nguyên đá Đồng Văn, nhằm cung cấp dược liệu cho các Công ty thuốc đông dược. Ngoài ra, Quản Bạ cũng là địa phương nhận được nhiều chính sách ưu tiên trong chương trình hỗ trợ các huyện nghèo thuộc vùng 30A.
1. Mục tiêu dự án
Duy trì và bảo tồn các sản phẩm từ bài thuốc tắm người Dao thông qua việc triển khai các hoạt động thu hái bền vững từ rừng theo tiêu chuẩn của GACP và nghiên cứu trồng trọt một số loài hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.
Tổ chức kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc người Dao tại HTX cộng đồng Nậm Đăm dựa vào việc huy động các nguồn lực từ cộng đồng; chuyên nghiệp hóa việc thực hiện dịch vụ và kinh doanh sản phẩm từ bài thuốc tắm kết hợp với du lịch bản địa.
Thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý (ABS) trong hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ bài thuốc tắm người Dao ở Nậm Đăm.
Để thực hiện mục tiêu trên, dự án đã được Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF-SGP) tài trợ, chủ trì thực hiện là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) – một tổ chức phi chính phủ (thành lập năm 1993), có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động điều tra, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc và tri thức bản địa của các dân tộc ở Việt Nam, đã phối hợp với Hợp tác xã cộng đồng Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang), bộ môn thực vật (Trường ĐH Dược Hà Nội); Công ty TNHH MTV Dược khoa làm tư vấn kỹ thuật để triển khai dự án này trong thời gian 24 tháng (bắt đầu từ tháng 3/2016).
2. Các nhóm hoạt động chính đã triển khai
Hoạt động tham quan, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng nhân giống và chăm sóc cây thuốc, kỹ năng thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn GCP, và quy định của pháp luật, kỹ năng tổ chức dịch vụ tắm thuốc của người dân địa phương.
Hoạt động điều tra cơ bản và nghiên cứu phát triển sản phẩm từ cây thuốc của nhóm chuyên gia: đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên cây thuốc tắm và tài nguyên cây có tinh dầu tại địa phương; nghiên cứu phát triển sản phẩm có nguồn gốc từ tinh dầu bản địa; nghiên cứu quy trình sản xuất thuốc tắm đóng chai.
Hoạt động truyền thông: Lập trang Facebook, làm tờ rơi, thiết kế, lắp đặt các pano quảng bá hình ảnh; xây dựng clip ngắn về hoạt động bảo tồn cây thuốc tắm và tổ chức dịch vụ tắm tại HTX Nặm Đăm, tổ chức các buổi tham quan cho các em học sinh lớp 7 tại HTX và vườn ươm của HTX, tổ chức đêm truyền thông kết hợp sinh hoạt văn hóa cho thanh niên xã Quản Bạ về chủ đề bảo tồn tài nguyên cây thuốc.
Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các thành viên trong HTX và các tổ chức liên quan như hội phụ nữ và hội nông dân có cam kết bằng văn bản.
Cải tạo cảnh quan, mua sắm các dụng cụ, thiết bị cần thiết cho quá trình sản xuất thuốc tắm, hỗ trợ xây dựng vườn ươm giống cây thuốc cho HTX Nặm Đăm.
3. Kết quả và tác động nổi bật của dự án
Về môi trường:
Bảo tồn được đa dạng nguồn gen cây thuốc tắm. Người dân điạ phương đã biết các phương pháp thu hái bền vững; bảo tồn hợp lý một số cây thuốc tắm bằng cách trồng những cây thuốc có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên.
Về kinh tế:
Người dân trong HTX đã có thêm một khoản thu nhập ban đầu từ tổ chức dịch vụ tắm thuốc lá: doanh thu mang lại tăng dần từ 2.640.000 đồng lên 3.680.000 đồng. Với sự tác động của khoa học, cải tiến công thức, thời gian tới, trong mùa du lịch Cao nguyên đá, Hoa Tam giác mạch, hứa hẹn lượt khách sẽ tăng lên đáng kể.
Về xã hội:
Các hoạt động của dự án thu hút rất nhiều phụ nữ dân tộc với tỷ lệ 70-90%. Hầu hết các thành viên địa phương tham gia vào dự án là người dân tộc Dao, sinh sống tại Quản Bạ, Hà Giang. Các đối tượng này chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 18 đến 35.
Tại HTX Nậm Đăm, sau khi được tập huấn đã bắt kịp các chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại liên quan đến các khâu của quá trình sản xuất: nhân giống, giữ giống, trồng trọt, thu hái, sơ chế, chiết xuất và tạo ra sản phẩm. Người dân trong HTX có thể tự sử dụng, vận hành các thiết bị, máy móc do dự án cung cấp để sản xuất các sản phẩm tại HTX. Ngoài ra, người dân tại đây cũng có năng lực thương mại hóa sản phẩm của HTX bằng cách tham dự các hội chợ tại địa phương, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bán hàng qua kênh online (facebook), bán hàng tại chỗ và tại điểm trưng bày sản phẩm ở Cổng trời Quản Bạ. Các công việc của HTX đã góp phần giải quyết việc làm cho 10-20 lao động tại địa phương.
Về chính sách:
Dự án đã có những tác động đến chính quyền địa phương để vận dụng những chính sách và nguồn vốn ưu tiên của huyện vào sự phát triển của tổ chức cộng đồng tại HTX Nặm Đăm. Cụ thể đó là những hỗ trợ về khuyến công (thiết bị, máy móc, đường dây điện, đường vào HTX); những hỗ trợ về xúc tiến thương mại sản phẩm thông qua các hội chợ.
4. Bài học kinh nghiệm
Huy động nguồn lực, nguồn vốn đối ứng: Dự án đã lựa chọn chủ thể thực hiện là HTX cộng đồng Nặm Đăm, đây là một tổ chức có pháp nhân, có vốn góp và danh sách thành viên rõ ràng, từ đây làm hạt nhân lan tỏa ra toàn địa phương. Dự án cũng đã huy động các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần dược khoa.
Huy động nguồn lực và vốn đối ứng: Ban điều hành (BĐH) Dự án đã chủ động kêu gọi các bên góp vốn đối ứng với các hình thức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và năng lực của các bên tham gia dự án. Cụ thể như sau:
Với phía người dân, địa phương: người dân có sẵn cơ sở vật chất (phòng họp, hội trường), sức lao động dồi dào, đất đai, do đó họ sẽ đóng góp vốn đối ứng dưới các hình thức này.
Công ty Cổ phân Dược khoa đang có kế hoạch phát triển dược liệu tại địa phương, trong đó có hỗ trợ cộng đồng tại HTX Nặm Đăm. BĐH dự án đã vận động công ty góp vốn bằng công lao động và công tác phí của các nhân viên của công ty tại địa phương. Sát cánh cùng người dân để hướng dẫn họ cách thức tổ chức HTX, quản lý HTX và vận hành các công việc liên quan đến HTX.
Duy trì và phát triển kết quả của dự án
Cơ chế chia sẻ lợi ích của HTX đã được kí kết, trên cơ sở cơ chế này, HTX sẽ quản lý được tình hình thu hái dược liệu tại địa phương theo từng năm.
Có sản phẩm hoàn thiện, mạng lưới truyền thông, phân phối mở rộng dưới dạng các hợp đồng kinh tế với các công ty, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa diễn ra liên tục dù dự án đã kết thúc.
Đề xuất các dự án Khoa học công nghệ tiếp nối những kết quả của dự án bao gồm: hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc tắm đóng chai, xây dựng vườn lưu giữ nguồn gen cây thuốc tắm người Dao tại địa phương.
Tiếp tục hỗ trợ HTX với vai trò là hạt nhân của dự án để duy trì những hoạt động tiếp theo của dự án.
5. Kết luận
Dự án: “Góp phần bảo tồn nguồn gen cây thuốc người Dao và cải thiện sinh kế thông qua phát triển dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ du lịch cộng đồng và các sản phẩm từ cây thuốc ở xã Quản Bạ – Hà Giang”. Qua hai năm thực hiện, Dự án đã để lại những thành quả nhất định đối với cộng đồng người Dao nơi đây. Bà con địa phương đã biết cách thu hái cây thuốc tắm từ rừng theo quy trình, thu hái có sự quản lý và có ý thức bảo tồn nguồn gen cây thuốc.
Việc tổ chức phục vụ tắm lá thuốc tại đây đã được nâng cấp lên quy mô cao, cảnh quan đẹp, thuốc tắm nấu theo đúng quy trình, tiêu chuẩn, có sổ sách theo dõi, có cải tiến, cách thức phục vụ tắm cũng được tập huấn chuyên nghiệp hơn. Người dân địa phương đã biết tự quảng bá dịch vụ tắm của mình qua trang Facebook mà dự án đã hỗ trợ thiết lập và quản lý. Đặc biệt, để thu hút nhiều đối tượng tham gia vào dự án với những hoạt động khác nhau.
GS TSKH Trần Công Khánh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc Cổ truyền Dân tộc)