BVR&MT – Luật Khoáng sản 2010 đã đi vào hiệu lực hơn 13 năm qua, mang lại nhiều kết quả tích cực cho công tác quản lý khoáng sản. Nhờ đó, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản.
Tuy nhiên, quá trình đi vào thực tiễn, nhiều nội dung quy định còn bất cập, cần sửa đổi, bổ sung. Hiện một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai. Do đó, trong quá trình hoàn thiện thể chế đối với công nghiệp khai khoáng, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010.
Góp ý về quy định đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong Dự thảo Luật, ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật đã phần nào thể hiện được những mong muốn đổi mới trong các quy định nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội theo xu hướng mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định trong Dự thảo Luật cũng bộc lộ những nội dung cần được hoàn chỉnh.
Cụ thể, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 103 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đề cập tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ: Trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; giá tính thuế tài nguyên khoáng sản… Ông Lê Ái Thụ cho rằng, quy định không phù hợp với bản chất, đặc thù của tài nguyên khoáng sản. Nếu áp dụng quy định này vào thực tiễn sẽ dẫn đến vừa tổn thất tài nguyên khoáng sản, vừa thất thu nguồn thu ngân sách.
Đồng thời, quy định này sẽ tạo ra sự bất công rất lớn giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và mâu thuẫn với quy định tại khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản”.
Còn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 103: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ giá tính thuế tài nguyên khoáng sản, Tiến sỹ Lê Ái Thụ nhấn mạnh, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở căn cứ “giá tính thuế tài nguyên khoáng sản” sẽ tạo ra tâm lý cho rằng nhà nước lại đặt ra một loại thuế mới. Vì vậy, nếu có quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì nên chỉ định: “Tiền cấp quyền được tính trên sản lượng thực tế khai thác hàng năm”.
Góp ý về quy định thế chấp quyền khai thác khoáng sản và chuyển nhượng quyền khai thác trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp tại Dự thảo Luật, Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù khoản 1 điều 62 Dự thảo Luật có quy định quyền “thế chấp” đối với quyền khai thác khoáng sản, tuy nhiên, Dự thảo chưa đề cập đến chủ thể có quyền nhận thế chấp đối với quyền khai thác khoáng sản này là ai, bao gồm tổ chức tín dụng hay mở rộng đối tượng nhận thế chấp đối với tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nói chung.
Cũng theo Luật sư Phạm Thanh Tuấn, tại Điều 61 Dự thảo Luật quy định về chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản “tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, đưa mỏ vào khai thác thì được chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản”. Điều này có nghĩa là một trong các điều kiện đối với bên chuyển nhượng phải là tổ chức, cá nhân “được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản”.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn cho rằng, quy định này chỉ đúng và phù hợp trong trường hợp bên chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản là bên trực tiếp chuyển nhượng. Với trường hợp bên chuyển nhượng là tổ chức tín dụng nhận thế chấp tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản và khi xử lý tài sản bảo đảm mà phải đáp ứng điều kiện bên chuyển nhượng là tổ chức đã “được cấp giấy phép khai thác khoáng sản” là bất khả thi. Quy định trên nếu không được sửa đổi sẽ gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng nhận thế chấp tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản khi xử lý tài sản bảo đảm theo hình thức bán đấu giá. Do đó, Luật sư Phạm Thanh Tuấn đề xuất, cần có quy định theo hướng trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là quyền khai thác khoáng sản thì bên chuyển nhượng không cần đáp ứng điều kiện đã được “cấp giấy phép khai thác khoáng sản” như Dự thảo quy định.