BVR&MT – Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Tham vấn về vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong giám sát, phản biện xã hội về kiểm soát ô nhiễm nước tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự Hội thảo có: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bùi Khắc Sơn, Phó trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân Nguyễn Ngọc Hùng cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, đại diện một số bộ, ban, ngành…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh về ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bùi Khắc Sơn cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long có một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, do yếu tố tự nhiên và yếu tố con người tác động… Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Tham vấn về vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội và người dân trong giám sát và phản biện xã hội về kiểm soát ô nhiễm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức là báo cáo dự thảo, với góc nhìn từ các cấp cơ sở và người dân liên quan tới vấn đề kiểm soát ô nhiễm nước.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bùi Khắc Sơn hy vọng rằng, thông qua Hội thảo này, các đại biểu là những chuyên gia, những nhà khoa học và những cán bộ trực tiếp triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu này.
Tại Hội thảo, Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi – đại diện nhóm nghiên cứu đã điểm lại một số văn bản luật liên quan đến tài nguyên nước, nêu vai trò của MTTQ Việt Nam trong các văn bản pháp luật liên quan đến tài nguyên nước; một số chương trình, hoạt động của MTTQ Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Đào Trọng Tứ cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội về bảo vệ môi trường, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đoàn thể chính trị-xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2019. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông qua các hoạt động giám sát, phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và sự đồng thuận xã hội về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bàn về vai trò của MTTQ Việt Nam trong giám sát và phản biện xã hội về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: Ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, MTTQ các cấp đã triển khai hoạt động giám sát theo nhu cầu của địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền các cấp. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế. Qua giám sát, phản biện xã hội, trên cơ sở nắm bắt được những yêu cầu của xã hội, những vấn đề nhân dân quan tâm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng ở các cấp trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, về công tác phản biện xã hội trong lĩnh vực môi trường, MTTQ Việt Nam đã góp ý kiến đối với dự thảo các văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội liên quan đến lĩnh vực môi trường như: Góp ý kiến vào dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tổ chức các hội nghị phản biện xã hội đối với một số dự án như Đề án “Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050”, đánh giá sự cố thủy điện Sông Tranh 2, vấn đề sử dụng hóa chất trong sản xuất nông sản thực phẩm; đánh giá việc khai thác thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Công hiện nay đến môi trường sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, để phát huy vai trò của MTTQ trong tham gia giám sát, phản biện xã hội, cần nâng cao nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cho cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng việc nâng cao nhận thức và hiểu biết kỹ năng giám sát, phản biện xã hội của đội ngũ MTTQ.
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, MTTQ cần tăng cường các hoạt động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm triển khai các chương trình nâng cao nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động được sự tham gia tích cực của người dân tại cộng đồng. Đồng thời, cần cung cấp thông tin cho nhân dân những vấn đề cần thiết của môi trường, trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của các địa phương; bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề xuất, sau giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận cần sớm có văn bản kết luận, kiến nghị, giám sát, phản biện xã hội gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm; theo dõi, đôn đốc chặt chẽ việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nêu nhiều ý kiến về kết quả nghiên cứu tham vấn về vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong giám sát và phản biện xã hội trong kiểm soát ô nhiễm nước tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…