BVR&MT- Để kiểm soát diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Thanh Hóa đã lập 7 chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh để phòng, chống dịch. Mỗi chốt có 18 người do lực lượng CSGT chủ trì phối hợp với các ngành: Y tế, Thanh tra giao thông, chia làm 3 ca, trực kiểm soát 24/24h.
Cuối tháng 6, cái oi nóng phả rát mặt người, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm soát dịch liên ngành Khe nước lạnh (xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn). Tại đây trung tá Mai Văn Khiêm, Tổ trưởng Tổ kiểm soát dịch COVID-19 Khe nước lạnh cho biết: “Để đảm bảo tổ chốt hoạt động liên tục 24/24h hiệu quả, chốt được chia thành 3 ca, các đồng chí thay nhau trực. Do chốt nằm trên tuyến QL1A nên lưu lượng xe qua lại liên tục, các chiến sĩ gần như không được nghỉ trong ca mình phụ trách”.
Trước tình hình dịch, bệnh đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh như Nghệ An, Hà Tĩnh, phải làm sao để kiểm soát được chặt chẽ nhưng không cứng nhắc, không “ngăn sông cấm chợ”. Theo Trung tá Khiêm, đa phần các tài xế, nhà xe đều chấp hành nghiêm ý thức phòng dịch, chuẩn bị giấy tờ để đảm bảo lưu hành nên cũng giảm bớt phần nào những khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những trường hợp quanh co trong khai báo y tế cũng như không đảm bảo về mặt giấy tờ lưu thông, không chấp hành các biện pháp phòng dịch. Ngoài việc nhắc nhở, hướng dẫn, nếu không đảm bảo điều kiện lưu hành, chốt kiểm soát kiên quyết yêu cầu chủ xe quay đầu.
Chủ xe Lê Văn Thưởng, lái xe khách từ Bình Dương đi Hưng Yên cho biết: “Đối với các hành khách, nhà xe cũng yêu cầu đầy đủ về khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang… đảm bảo mới tiếp nhận khách. Qua trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại Khe nước lạnh các đồng chí tại chốt đã nhiệt tình hướng dẫn hành khách trong việc đảm bảo phòng dịch”.
Trong khi đó tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 dốc Đông Hồi (xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn) lưu lượng xe qua lại thường xuyên, các chiến sĩ tổ chốt tại đây đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ túc trực, kiểm soát dịch 24/24h.
Thượng úy Hoàng Văn Chinh, Tổ trưởng Tổ công tác kiểm soát dịch COVID-19 dốc Đông Hồi cho biết: Chốt dốc Đông Hồi thuộc tuyến giao thông ven biển huyết mạch đi Nghệ An, do đó đối với phương tiện không đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch như giấy xác nhận của địa phương không phải vùng dịch, không có phiếu test nhanh COVID-19… thì sẽ yêu cầu phương tiện quay đầu, không được tiếp tục di chuyển vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hiện tại các tổ chốt kiểm soát dịch COVID-19 đã đang hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các phương tiện ra vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Song, để hoàn thành được nhiệm vụ, ít ai biết được rằng các chiến sĩ tại các chốt kiểm soát dịch phải vượt qua biết bao khó khăn, sự khắc nghiệt của thời tiết, điều kiện thiếu thốn về vật chất để hoàn thành nhiệm vụ.
Chốt kiểm soát dịch dốc Ngọc Hồi (Thị xã Nghi Sơn) chỉ là chiếc thùng container được các chiến sỹ thuê mượn, cải tạo làm nơi đóng chốt. Thượng úy Hoàng Văn Chinh, chia sẻ: “Những ngày nắng nóng gần 40 độ C anh em phải đi mua kè lợp thêm trên mái thùng mới giảm được phần nào nhiệt độ”.
Chiếc thùng container rộng chừng gần 10m2 là chỗ ăn, nghỉ và chưa đựng vật dụng thiết yếu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch khi cần thiết, chiếm diện tích nhiều nhất có lẽ là các thùng nước lọc. Thượng úy Chinh nói rằng nước uống có lẽ là tốn kém nhất. Thời tiết những ngày qua có lúc lên tới gần 40 độ C khiến cho cơ thể nhanh mất nước.
Còn chuyện ăn uống, Thượng úy Chinh bảo anh em nhờ các hộ dân lân cận nấu nướng rồi thay phiên nhau đi ăn. Những lúc đói, lỡ bữa thì gói mì tôm ăn tạm.
Trung tá Trang Công Đông, Trạm Trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Quảng Xương (Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh) cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, lực lượng CSGT Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự giao thông vừa đấu tranh, phòng chống dịch bệnh COVD-19 trên các tuyến đường.
“Có thể nói, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cán bộ chiến sĩ đã phải nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Có những hôm hết ca trực đã 22h, 23 giờ đêm các chiến sĩ mới được ăn cơm chiều. Trong khi đó, điều kiện nơi ăn ở, sinh hoạt rất khó khăn, hoặc dựng lều lán hoặc mượn nhà dân, và có khi là tận dụng cái thùng xe để làm chốt dịch. Tuy nhiên, toàn lực lượng vẫn đảm bảo túc trực 24/24 giờ, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Trung tá Đông nhấn mạnh.