Gỡ khó trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719 ở Phú Thọ

BVR&MT – Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở 5 huyện nghèo, miền núi của tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 vẫn còn gặp vướng mắc về cơ chế, phương thức thực hiện… cần được tháo gỡ, “khai thông” kịp thời.

Huyện Tân Sơn có diện tích trồng chè lớn nhất của tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đầu tư tập trung, lựa chọn đúng đối tượng ưu tiên

Tân Sơn là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Phú Thọ với 32 dân tộc sinh sống ở 17 xã; trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 83,5% dân số toàn huyện. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Tân Sơn đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023. Theo đó, huyện chủ trương đầu tư tập trung, không dàn trải, lựa chọn đúng đối tượng ưu tiên ở 10 dự án, đặc biệt là đối với các dự án: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc…

Sau thời gian triển khai, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu thực hiện tại huyện Tân Sơn đã phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, đời sống người dân được cải thiện. Nhiều bản, làng đã thực sự khởi sắc.

Ông Trần Khắc Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, hết năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 16,37%, giảm được 1,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn 9,03%, giảm được 1,5%; tỉ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm được 1,92%.

Các lĩnh vực Giáo dục – đào tạo được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; Y tế và chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm, chú trọng hỗ trợ y tế cơ sở, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người dân. Số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm trên 6.000 người; trong đó xuất khẩu lao động đạt trên 1.000 người. Số khu dân cư đủ tiêu chí ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn được 9/18 khu, đạt 50% kế hoạch giai đoạn I…

Năm 2023, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch chỉ đạo hướng dẫn tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 tại 2 huyện là Yên Lập và Tân Sơn. Kết quả giám sát cho thấy, các công trình được đầu tư xây dựng theo đúng nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Tại huyện Yên Lập, 63 công trình/11 xã khu vực III và 12 công trình theo danh mục đã được đầu tư; thực hiện giải ngân các nội dung hoàn thành là 44,6 tỷ đồng, đạt 77,26% so với tổng vốn được giao, dự kiến sẽ giải ngân hết trong năm 2023. Đối với huyện Tân Sơn, tổng kế hoạch vốn phân bổ năm 2022 là 57,8 tỷ đồng; tiến độ giải ngân đến thời điểm tháng 5/2023 đạt trên 51 tỷ đồng, đạt 97% so với kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn phân bổ năm 2023 là 84,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn ở 5/12 huyện, thành thị nằm trong chương trình gồm Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Đoàn Hùng còn nhiều khó khăn, việc triển khai từng dự án còn nhiều vướng mắc, cần phải nỗ lực, tìm cách tháo gỡ

Nỗ lực gỡ khó

Theo kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh là trên 1.177 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng. Tổng số vốn bố trí thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2023 là trên 784 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân trên 331 tỷ đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển gần 299 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 32,6 tỷ đồng). Các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đều đạt so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 về mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa đạt so với mục tiêu đề ra. Dự kiến hết ngày 31/12, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 1,3%/năm.

Trên thực tế, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 của tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Về cơ chế, hiện một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất; trùng lặp về nhu cầu, đối tượng; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa thật sự chặt chẽ, vai trò của cơ quan chủ dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần chưa được phát huy…

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chia sẻ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Thọ còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nguồn lực của Trung ương trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Do đó, Phú Thọ sẽ triển khai quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Trước mắt, tỉnh Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, nhất là đối với những nội dung còn vướng mắc, cần tháo gỡ. Cùng với đó, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát huy sức mạnh nội lực trong đồng bào, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình.

Tại buổi làm việc của Ủy ban Dân tộc với tỉnh Phú Thọ ngày 27/10 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh Phú Thọ tiếp tục có quyết tâm cao, phát huy vai trò, sự tham gia, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt quy chế phối hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Phú Thọ cũng cần có những đề xuất, tham mưu trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 giai đoạn tiếp theo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 tại cơ sở trong thời gian tới.