BVR&MT – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ đóng cửa mỏ khai thác than lộ thiên tại TP Hạ Long vào năm 2020; không cấp phép các dự án nhà máy xi-măng, chuyển hướng từ tăng trưởng “nâu” (gây ô nhiễm môi trường) sang tăng trưởng “xanh”, chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ…
Đó là những chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và mới đây HĐND tỉnh này ra nghị quyết cụ thể hóa chủ trương, được người dân đồng tình ủng hộ. Dù là TP lớn, là trung tâm du lịch của cả nước, song TP Hạ Long vẫn bị ảnh hưởng nhiều từ hoạt động khai thác than lộ thiên lên môi trường, cảnh quan; cộng thêm tình trạng mất an toàn các bãi thải mỏ mỗi khi mưa lớn, uy hiếp hàng ngàn hộ dân sinh sống bên dưới. Ngoài việc đóng cửa các khai trường lộ thiên, ngành than sẽ phải hoàn nguyên, cải tạo môi trường các bãi thải đất đá và trồng cây các tầng vỉa…
Câu chuyện này thể hiện sự quyết liệt trong nhận thức và hành động về sự phát triển bền vững gắn với môi trường, nhất là ở những tỉnh, TP vùng biển của Việt Nam. Từ năm 2009, người dân Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã nói không với túi ni-lông, giới hạn số du khách lên đảo để giữ cho hòn đảo luôn xanh – sạch – đẹp. Từ Quảng Nam nhìn ra các địa phương khác lại thấy đáng lo khi môi trường chưa được bảo vệ, giữ gìn. Đảo Bình Ba (tỉnh Khánh Hòa), hòn Sơn (tỉnh Kiên Giang) một thời đẹp hoang sơ, khi du khách ùn ùn đổ về đã thành những hòn đảo đầy rác thải, túi ni-lông. Những đô thị phát triển như Phú Quốc, Phan Thiết cũng “đau đầu” với nạn rác thải ngồn ngộn, địa phương không xử lý xuể. Còn ở Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), núi rác của TP này đã trở thành vấn nạn không lời giải vì quá tải trầm trọng.
Trong xu thế phát triển của ngành du lịch, nhiều nơi tự phát người người nhà nhà làm du lịch. Quen làm ăn chụp giật, thấy dễ ăn thì lao vào, đua nhau mở quán ăn, nhà hàng, khách sạn và rác thải, chất thải cứ tống thẳng ra môi trường; chỉ nghĩ lợi cho mình mà bất chấp hậu quả. Trong khi ý thức của người dân còn thấp thì năng lực quản lý của cơ quan hữu trách lại không theo kịp.
Nhìn qua nước bạn, vào tháng 04/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu đóng cửa hòn đảo nổi tiếng Boracay vì nơi đây môi trường bị tàn phá bởi hoạt động khai thác du lịch bừa bãi. Sau nửa năm quy hoạch và cải tạo, tháng 10/2018, Boracay đã mở cửa trở lại với diện mạo mới cùng những quy định nghiêm ngặt hơn. Tương tự, Thái Lan cũng đã đóng cửa vịnh Maya tuyệt đẹp trên đảo Koh Phi Phi trong 02 năm, từ tháng 06-2018, để bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái.
Chúng ta có Hạ Long là di sản xanh tuyệt vời, là địa chỉ du lịch nổi tiếng thế giới. Nếu thiếu chiến lược phát triển, thiếu kiểm soát, nơi đây sẽ đối diện những thách thức lớn, khó giải quyết. Do đó, có tầm nhìn tương lai, có ý thức và giải pháp như lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh là điều rất đáng mừng, hy vọng sẽ có nhiều địa phương noi theo. Tăng trưởng kinh tế là cần thiết nhưng không thể bằng mọi giá, phát triển nóng sẽ trả giá đắt trong hiện tại và tương lai.
Không chỉ bảo tồn các giá trị di sản mà người dân cả nước phải cùng nhau bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên của đất nước này mãi xanh tươi, bền vững.