Giữ rừng ở Tây Nguyên trong bối cảnh thực thi Luật Lâm nghiệp mới

BVR&MT – Ngày 3/4, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới đã tổ chức diễn đàn Quản lý bền vững rừng ở Tây Nguyên trong bối cảnh thực thi Luật Lâm nghiệp mới.

Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công cho biết, Luật Lâm nghiệp thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 căn bản đã xác định ngành Lâm nghiệp là một ngành kinh tế từ khâu chọn giống đến khâu chế biến, xuất khẩu chứ không gói trọn trong bảo vệ phát triển rừng.

Luật Lâm nghiệp ra đời sẽ thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp mà trước mắt toàn bộ chủ rừng của Nhà nước (gồm các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà còn vì mục tiêu về môi trường, xã hội. Đặc biệt, khi triển khai Luật Lâm nghiệp mới kèm theo một số chính sách về sinh kế, người dân sẽ được giao một quỹ đất ổn định, lâu dài để sản xuất lâm nghiệp bền vững, phát triển rừng trồng, được nhận khoản tiền bảo vệ rừng, vay vốn thực hiện trồng rừng, phát triển sản xuất của gia đình.

Tiến sĩ Trần Văn Con, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp, cho rằng, trong số 10 triệu ha rừng tự nhiên của Việt Nam chỉ có khoảng 14% là rừng giàu và trung bình, còn lại là rừng thứ sinh và rừng non phục hồi có trữ lượng nghèo và nghèo kiệt. Nguy cơ suy thoái rừng vẫn còn cao do nhiều sức ép dẫn đến khai thác quá mức, khả năng tái sinh và phục hồi kém do gia tăng dân số, nghèo đói, nhu cầu phát triển… Trong khi đó, nhận thức về các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường của rừng tự nhiên không đầy đủ; chưa hiểu đúng về các điều kiện tồn tại và giá trị tiềm năng của rừng tự nhiên; có xu hướng chuyển đổi thành rừng trồng cây mọc nhanh và các dạng sử dụng đất khác. Hệ thống chính sách, các kế hoạch, các hoạt động nghiên cứu và quản lý rừng tự nhiên chưa thích ứng và không bảo đảm tính bền vững cho rừng tự nhiên và tài nguyên rừng… Vì vậy, để hướng tới một nền lâm nghiệp bền vững và đa chức năng trong cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng cần phải thay đổi quan niệm về rừng, nghề rừng; nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, chức năng của rừng.

Từ nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phục hồi rừng cảnh quan gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng lưu vực sông Sê-rê-pốc, Tiến sĩ Cao Thị Lý, giảng viên Trường đại học Tây Nguyên cho biết: Rừng thuộc lưu vực sông Sê-rê-pốc đã suy giảm nhiều về diện tích và chất lượng so với cách đây 15 năm. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, an ninh lương thực… và gián tiếp liên quan đến biến đổi khí hậu. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục và cải thiện, những ảnh hưởng kể trên sẽ kéo dài, hệ lụy chưa thể xác định được. Vì vậy, để bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững tại các địa phương lưu vực sông Sê-rê-pốc cần kiểm soát tác động đến tài nguyên rừng, giải quyết tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn trong sử dụng đất lâm nghiệp, hỗ trợ bảo vệ rừng; phục hồi, phát triển rừng và nông lâm kết hợp. Tuy nhiên, phải kiểm soát dân di cư, người quy hoạch; hỗ trợ hộ gia đình, cộng đồng nhận rừng trong khu vực đều được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hỗ trợ kỹ thuật, chính sách đầu tư, vay vốn ưu đãi; liên kết doanh nghiệp hỗ trợ trồng rừng, nông lâm kết hợp, tìm đầu ra sản phẩm…

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp lâm nghiệp, người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên đã trình bày các tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin giữa các bên liên quan về các nội dung liên quan đến quản lý rừng bền vững, tập trung vào khu vực Tây Nguyên; thảo luận đưa ra các giải pháp trong quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất, rừng ở vùng Tây Nguyên trong bối cảnh thực thi Luật Lâm nghiệp mới; khuyến khích nhân rộng các mô hình, sáng kiến quản lý sử dụng rừng bền vững trong vùng. Các khuyến nghị tại diễn đàn lần này cũng sẽ là cơ sở để các nhà quản lý và hoạch định chính sách rà soát, hoàn thiện hơn các chính sách về quản lý rừng bền vững trên địa bàn trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngày 18/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 297/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 -2030”. Mục tiêu của đề án là nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,5%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Theo nội dung của quyết định, tổng nguồn vốn để thực hiện đề án quan trọng này là 28.554 tỷ đồng. Nhiệm vụ được Thủ tướng giao là bảo vệ 2.246.068 ha rừng tự nhiên hiện có, ngăn chặn tình trạng phá rừng, phòng, chống cháy rừng, giảm căn bản diện tích rừng bị thiệt hại… Xử lý dứt điểm đối với 282.896 ha rừng và đất lâm nghiệp đang có chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm; sắp xếp đổi mới 55 công ty lâm nghiệp trên địa bàn…