Giữ màu xanh no ấm

BVR&MT – Nhiều người dân vùng cao Lào Cai gắn cuộc đời mình với sự sống của những cánh rừng, nhờ đó rừng thêm xanh, cuộc sống thêm no ấm.

Là nông dân thực thụ, nhưng nhiều năm nay, anh Triệu Tòn Liều, dân tộc Dao ở thôn Khe Păn, xã Nậm Tha (Văn Bàn) đã ít gắn bó với cái cuốc, cái cày. Anh Liều hài hước bảo, mình là nông dân được “trả lương” nên không phải làm ruộng!

Tổ bảo vệ rừng chuyên trách xã Nậm Tha (Văn Bàn) cùng cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng.

Để hiểu công việc được “trả lương” của nông dân Triệu Tòn Liều, chúng tôi cùng anh trải nghiệm một buổi tuần tra và chăm sóc rừng. 6 giờ, khi hạt sương mai còn ướt đẫm trên cây cỏ, tại chốt bảo vệ rừng thôn Khe Păn đã rộn rã tiếng nói cười. Anh Triệu Tòn Liều kiểm tra giày, ủng, dao phát, bi đông nước, mũ đội đầu của từng thành viên trong nhóm và lương thực mang theo trong chuyến tuần tra rừng định kỳ. Anh Liều cho biết: Theo kế hoạch, hôm nay, tổ tuần rừng đi 4 người, chia theo tuyến chính từ tiểu khu 1 đến tiểu khu 8 và các tuyến phụ đã định sẵn, luồn sâu vào lõi rừng để kiểm tra hiện trạng rừng.

Xuất phát từ đây, đội tuần rừng tiến sâu vào rừng, trước mặt là khu rừng tự nhiên phòng hộ thuộc xã Nậm Tha, giáp ranh với xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái).

Tổ chuyên trách bảo vệ rừng xã Nậm Tha có 12 thành viên là người dân sinh sống tại các thôn: Khe Păn, Khe Vai, Phường Cong. Tổ có nhiệm vụ cùng với cán bộ kiểm lâm xã Nậm Tha quản lý, bảo vệ hơn 3.000 ha rừng tự nhiên phòng hộ trên địa bàn. Ngoài thực hiện theo kế hoạch, thành viên tổ bảo vệ rừng sẽ tuần tra đột xuất khi có biến động xảy ra. Mỗi đợt, các thành viên đi theo nhóm, kéo dài 3 đến 4 ngày. Đây là công việc vất vả và có phần nguy hiểm bởi nơi rừng sâu không lường trước chuyện sẽ xảy ra, nhất là khi phải đối mặt với đối tượng xấu có ý định xâm hại đến rừng. Vào thời gian cao điểm mùa hanh khô hoặc lúc nông nhàn, nguy cơ người dân vào rừng khai thác trộm gỗ, các thành viên trong tổ ngủ ở rừng nhiều hơn ở nhà.

Tổ bảo vệ rừng cộng đồng xã Dền Sáng (Bát Xát) cùng cán bộ kiểm lâm triển khai phương án tuần tra rừng.

Công việc bảo vệ rừng đem lại cho mỗi thành viên trong tổ chuyên trách bảo vệ rừng nguồn thu khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng. Khoản hỗ trợ của Nhà nước được anh Liều và 11 thành viên trong tổ gọi là “tiền lương”. Với nông dân thì đây là nguồn thu khá để nâng cao đời sống, cũng tiếp thêm động lực cho họ vững tâm giữ rừng.

Gần 10 năm nay, 116 hộ ở thôn Nậm Giàng, xã Dền Sáng (Bát Xát) có thêm nguồn thu hơn 259 triệu đồng/năm từ việc tham gia quản lý, bảo vệ 479 ha rừng. Ông Phàn Chỉn Sèo, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn cho hay: Các hộ trong thôn đều nhận thức được trách nhiệm và cùng tham gia bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Thôn đã bầu ra tổ bảo vệ rừng và xây dựng kế hoạch tuần tra theo tháng. Nhờ đó, tình trạng khai thác gỗ trái phép và lấn chiếm đất rừng làm nương không còn xảy ra.

Xã Dền Sáng hiện có 454 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Dao, chiếm trên 98%. Thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Với việc nhận khoán bảo vệ hơn 1.000 ha rừng đặc dụng từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, mỗi năm người dân trên địa bàn có khoản thu hơn 550 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống.

Ông Lý Láo San, Chủ tịch UBND xã Dền Sáng khẳng định: Nhận khoán bảo vệ rừng mang lại lợi ích kép, vừa giải quyết việc làm, vừa nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên rừng bền vững. Bên cạnh đó, các hộ tham gia bảo vệ rừng có thêm thu nhập để đầu tư phát triển sản xuất, nhiều hộ có khoản tích lũy, làm nhà mới và sắm được xe máy, mua vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Ngoài trả công cho tổ tuần tra, bảo vệ rừng, chi cho việc chung của cộng đồng, các thôn còn dành một phần số tiền này để hình thành quỹ phát triển sinh kế trong cộng đồng, giúp các hộ có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tỉnh Lào Cai có diện tích rừng lớn, tập trung ở vùng sâu, vùng cao, giao thông khó khăn, tạo áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư đã mang lại hiệu quả. Người dân tham gia nhận khoán trở thành “cánh tay nối dài” trong quản lý, bảo vệ rừng ở các địa phương. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh giao khoán bảo vệ hơn 36.000 ha rừng phòng hộ và rừng tự nhiên cho gần 100 cộng đồng, 22.000 hộ sống gần rừng.

Các chủ thể nhận khoán xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ và ghi chép sổ nhật ký tuần tra. Việc giao khoán bảo vệ rừng đến từng thôn và từng hộ đã hạn chế được các vụ phá rừng, người dân có thêm nguồn thu chính đáng từ rừng, từ đó ngày càng có trách nhiệm bảo vệ rừng. Nhờ chính sách này, thời gian qua, người dân đã phát hiện, báo cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Từ kết quả mang lại, các ngành chức năng đang nghiên cứu và sẽ lồng ghép các nguồn kinh phí để đẩy mạnh công tác khoán bảo vệ rừng, nâng mức hỗ trợ cho người dân và cộng đồng…

Giữ được rừng là giữ được màu xanh no ấm, bảo vệ môi trường sống; cũng là giữ vốn tài nguyên phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu của du khách muốn khám phá thiên nhiên, góp phần tạo thêm sinh kế cho đồng bào sống gần rừng, xóa nghèo nhanh, bền vững, có cơ hội vươn lên làm giàu.

NGUỒNbaolaocai.vn
Tags: , ,
CHIA SẺ