BVR&MT – Để giữ được màu xanh của rừng, giữ bình yên cho các loài động vật sinh sống trong rừng, lực lượng kiểm lâm đã phải trải qua nhiều gian nan, đối mặt với nhiều nguy hiểm. Nhiều người không trụ được đã phải bỏ nghề, nhưng với những người chọn ở lại với rừng, không khó khăn nào có thể làm họ chùn bước.
Trái ngược với vẻ tĩnh lặng, yên bình của những khu rừng, các nhân viên kiểm lâm phải thường xuyên đối mặt với nhiều nguy hiểm trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng. Điều này có thể đến bất chợt, do vô tình “đụng” phải các loài động vật nguy hiểm như: rắn, rết, bọ cạp, bò rừng… Đó cũng có thể là những thương tích khi bị cây rừng gãy đổ, đâm trúng người; có thể là những thương tích khi bị dính bẫy thú… Nhưng nguy hiểm nhiều nhất thường đến từ các đối tượng xâm nhập rừng trái phép để cưa cây, săn bắn thú.
Đối mặt hiểm nguy
Thông thường, khi gặp đối tượng xâm nhập rừng trái phép, việc đầu tiên là các kiểm lâm viên ngăn chặn, không cho vào rừng. Nếu có vi phạm thì tùy theo mức độ mà xử lý: xử phạt hành chính, thu hồi tang vật hoặc chuyển cho cơ quan chức năng xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai hiện có 18 trạm kiểm lâm. Trong đó, có 9/18 trạm chưa có đường điện. Vì vậy, các trạm được trang bị điện năng lượng mặt trời và máy phát điện. Với máy phát điện, theo chỉ tiêu, chỉ được dùng 2 giờ/ngày. Trong khi đó, điện năng lượng mặt trời cũng không đủ để cung cấp điện cho 1 trạm, nhất là trong mùa mưa.
Do nguồn lợi kinh tế, nhiều đối tượng dù đã được tuyên truyền, vận động vẫn cố ý vào rừng để săn bắn thú. Điều đáng nói là những đối tượng này thường rất manh động, sẵn sàng tấn công, chống trả lực lượng kiểm lâm nếu bị phát hiện. Rất nhiều kiểm lâm viên đã phải đổ máu trong những lần “đụng độ” này.
Mới đây nhất, ngày 24/4, một nhóm hơn 10 người đã xông vào Trạm Kiểm lâm Cù Đinh (thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, gọi tắt là Khu bảo tồn) để đòi lại chiếc xe máy (do lực lượng kiểm lâm thu được trong rừng). Lúc này, tại trạm chỉ có 2 người đang trực gác. Anh Mạc Quý Hùng, nhân viên của trạm ra tiếp chuyện thì bị nhóm đối tượng này xông vào tấn công. Hậu quả, anh Hùng bị thương trên đầu, chảy rất nhiều máu nên phải đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu.
Cách đó chỉ 5 tháng, vào đêm 2/11/2019, 2 kiểm lâm viên Nguyễn Hữu Quế, Lâm Văn Chiến (Trạm Kiểm lâm cơ động, thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) đã bị 2 đối tượng dùng súng bắn trúng chân. Trong đó, anh Quế bị 4 mảnh đạn, trong khi anh Chiến bị tới gần 30 mảnh đạn (đạn hoa cải). Cả 2 anh được đồng đội đưa đi cấp cứu, mổ gắp đạn. Riêng anh Chiến hiện vẫn còn 8 mảnh đạn trong người không thể gắp ra, anh cũng phải chịu thương tật 27%.
Tại Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên, ông Phan Minh Tiến được mệnh danh là “khắc tinh của lâm tặc”. Ông từng là trạm trưởng ở nhiều trạm kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên như: C.10, Đắc Lua, Đất Đỏ, Sa Mách, Tà Lài, Đạ Kộ. Hơn 30 năm gắn bó với rừng, bản thân ông từng chứng kiến nhiều mất mát, hy sinh của đồng nghiệp. Ông cũng bị đối tượng xấu hăm dọa đủ điều; đập phá nhà cửa, xe cộ, đe dọa làm hại những người thân trong gia đình ông.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có 10 vụ tấn công kiểm lâm xảy ra tại vùng rừng thuộc Khu bảo tồn. Những người tấn công lực lượng kiểm lâm chủ yếu là đối tượng săn bắn thú rừng, thường xuyên sử dụng vũ khí tự chế và thường rất manh động.
“Khi xảy ra sự cố, lực lượng chi viện cho chúng tôi thường đến chậm. Thứ nhất là do chúng tôi không liên lạc được (do nhiều khu vực trong rừng không có sóng điện thoại); thứ hai là địa hình rừng vùng sâu, vùng xa nên lực lượng chi viện nếu có nhận được thông tin thì cũng tốn một khoảng thời gian khá dài để đến nơi. Chúng tôi cũng không có sự hỗ trợ của những người dân do sự việc xảy ra đều chủ yếu trong rừng sâu. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể khắc phục bằng cách tổ chức tuần tra theo nhóm khoảng 4, 5 người để bảo vệ cho nhau” / ông Phước chia sẻ.
Tuy phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng lực lượng kiểm lâm vẫn quyết tâm bám giữ rừng. Anh Nguyễn Hữu Quế, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm cơ động (Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) tâm sự: “Lần tôi bị lâm tặc bắn, tôi không dám báo cho người nhà biết. Mãi 3 ngày sau, khi báo chí đưa tin thì vợ con tôi ở nhà mới được thông báo. Gia đình lo lắng, khuyên tôi chuyển việc. Nhưng làm kiểm lâm là công việc mơ ước từ khi tôi học THPT. Đối với chúng tôi, việc đối đầu với lâm tặc được xem là rủi ro nghề nghiệp. Những vụ việc đó không làm chúng tôi nao núng, tinh thần sa sút mà lại càng quyết tâm để cùng với anh em bảo vệ được rừng”.
Giữ gìn màu xanh của rừng
Không chỉ tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm; bảo tồn động vật hoang dã, lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng tại chỗ còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là phòng, chống cháy rừng. Vào những tháng mùa khô, các kiểm lâm viên phải thay phiên nhau trực gác 24/24. Công việc của họ là tuần tra, quan sát, sẵn sàng chữa cháy khi có xảy ra cháy.
Ông Quách Anh Minh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Núi Tượng (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên) chia sẻ, trạm có tổng cộng 5 nhân sự, quản lý trên diện tích gần 3.300ha rừng, chủ yếu là rừng gỗ, trảng cỏ, bàu nước. Đây là khu vực có nhiều động vật, nhất là các loại như: nai, bò… Vào mùa khô, khi nguồn nước cạn kiệt, các loài động vật thường tìm đường ra sông uống nước, rất dễ bị các đối tượng xâm nhập rừng trái phép săn bắn. Vì vậy, ban ngày, các kiểm lâm viên phải đi tuần canh cháy, còn ban đêm thì đi tuần tra để đuổi người không cho săn bắn thú. Vào mùa khô, công việc của các kiểm lâm rất vất vả và áp lực.
Khu rừng vào mùa nắng dù có nhiều cây xanh nhưng vẫn rất hanh khô. Các trạm kiểm lâm thường lập một trạm gác để quan sát từ trên cao. Trước đây, những trạm gác này có thể tận dụng trên những cây cổ thụ cao. Hiện nay, đa số trạm gác đã được dựng bằng sắt, lợp tôn.
Ngoài quan sát bằng mắt thường, nhân viên trực gác còn dùng ống nhòm để quan sát được xa hơn. Hiện nay, thiết bị bay điều khiển từ xa (flycam) đã được ứng dụng để hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng được trang bị. Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên hiện đã được trang bị 1 máy trong khi Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn hiện chưa có thiết bị này.
Rừng là nhà
Gần như 100% kiểm lâm viên đều không thể quên được cảm giác đêm đầu tiên nhận nhiệm vụ. Khung cảnh trong rừng quạnh hiu, vắng vẻ, đêm nằm chỉ nghe tiếng côn trùng kêu, thậm chí không có điện, không có sóng điện thoại… buồn đến nỗi, hầu hết mọi người đều muốn “quảy ba lô về quê luôn”. Nhưng rồi, họ đều tự động viên tinh thần, gắng gượng để bám trụ với nghề.
Những người mới tuyển dụng thường được sắp xếp vào đội cơ động để có điều kiện đi khắp khu rừng, bước đầu nắm bắt toàn bộ tình hình chung của rừng. Sau một thời gian, những kiểm lâm viên này sẽ được phân công về các trạm cố định. Cứ 3 năm, mỗi kiểm lâm viên sẽ được luân chuyển trạm một lần. Nhờ đó, kiểm lâm ở các trạm hầu hết đều quen mặt nhau, họ còn nhớ cả tuổi, quê quán, ai đã có vợ, ai còn độc thân… Với những người đã chọn ở lại, rừng đã trở thành nhà, các đồng nghiệp trở thành anh em.
Không phải ai đến với rừng rồi cũng gắn bó với nơi này. Rất nhiều người chỉ trụ lại được 1 năm, 1 tháng, thậm chí có trường hợp chỉ đến có 2 ngày rồi đi. Theo quy định, vào mùa cao điểm (mùa nắng), mỗi kiểm lâm chỉ được nghỉ 4 ngày/tháng; mùa thấp điểm, được nghỉ 6 ngày/tháng. Họ có thể chia ra để được về nhà 2 lần mỗi tháng, 100% khoảng thời gian còn lại họ phải ở trong rừng.
Ngày đi tuần tra, đêm cũng phải tuần tra. Những ai được giao ở lại trạm thì vừa trực gác, vừa lo cơm nước cho cả trạm. Trong rừng sâu, nhiều trạm không có điện. Thậm chí, sóng điện thoại cũng chập chờn, lúc có, lúc không. Vì thế, không phải cứ nhớ nhà là gọi điện về ngay được.
Trong rừng, họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, gắn bó với nhau như những người thân trong gia đình. Ai cũng chịu cảnh xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên có thể đồng cảm, chia sẻ được cho nhau, cả trong công việc lẫn cuộc sống. “Chúng tôi đều xa nhà nên anh em phải đoàn kết với nhau. Cũng nhờ đó mà chúng tôi tìm thấy được niềm vui trong công việc, vì vậy mới có thể trụ lại với nghề lâu dài” , ông Trần Hữu Tài, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cù Đinh (Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) chia sẻ.