BVR&MT – Trong môi trường khoa học lành mạnh, thái độ liêm chính là yêu cầu có tính nguyên tắc hàng đầu và là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên ở Việt Nam thời gian qua, việc xảy ra một số vụ việc liên quan liêm chính khoa học đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động khoa học, làm mất lòng tin của cộng đồng. Thực tế đó đòi hỏi cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để giữ gìn sự chính trực trong lĩnh vực này.
Từ xa xưa, người Việt đã có ý thức rất nghiêm túc trong việc bảo trọng danh tiếng. Nhiều người không chỉ lo giữ gìn danh tiếng lúc còn sống, mà còn nghĩ đến việc lưu danh mãi về sau. Tục ngữ có các câu: “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, “Lưu danh thiên cổ”… Danh tiếng đồng nghĩa với việc tên tuổi được kính trọng, lan xa, nhiều người biết đến. Trải qua hàng nghìn năm, việc trọng danh tiếng đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có khoa học.
Cùng với mặt tích cực là khuyến khích mỗi cá nhân không ngừng phấn đấu, hết lòng cống hiến cho xã hội để khẳng định vị thế, tên tuổi của mình một cách chính đáng, thì cũng khiến nảy sinh mặt tiêu cực là tình trạng háo danh, chạy theo hư danh theo kiểu “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Không ít người tìm mọi cách để có bằng được chức nọ, danh kia. Trên thực tế, trong quá trình chạy đua để đạt “danh tiếng”, đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, thậm chí tiêu cực, thể hiện sự thiếu trung thực của một số người và điều này xuất hiện cả trong giới làm khoa học – vốn có những tiêu chuẩn khắt khe. Ðiều đó cho thấy, liêm chính khoa học cần được đặt ra một cách cấp thiết.
Những gì đã và đang xảy ra trong sinh hoạt khoa học cho thấy việc vi phạm đạo đức khoa học xuất hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ việc gian lận trong một bài báo khoa học đến gian lận trong một công trình lớn. Có người sẵn sàng bỏ tiền thuê người viết toàn bộ từ bài báo khoa học cho đến khóa luận, luận văn, luận án. Cấp độ thấp hơn là các tiểu xảo sao chép, giấu nguồn, dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài, sao phỏng, thay thí dụ rồi đề tên mình. Hay việc “chạy” đề tài, dự án cũng kéo theo nhiều tiêu cực.
Khi điều kiện để bảo vệ luận văn, luận án, điều kiện để được cấp kinh phí thực hiện các đề tài lớn ngày càng siết chặt thì đồng thời nảy sinh nhiều loại “dịch vụ”, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của những cá nhân đầy tham vọng (như các “chợ luận văn” ngang nhiên tồn tại trên mạng chẳng hạn). Tất cả các bất cập ấy đang gây nhức nhối trong xã hội, đòi hỏi cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, giúp củng cố, phát triển một môi trường nghiên cứu khoa học lành mạnh, chính trực, công bằng. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để có thể giữ gìn, bảo vệ sự liêm chính trong khoa học?
Ðiều đầu tiên và quan trọng nhất là xây dựng lòng tự trọng, sự trung thực đối với mỗi cá nhân ngay từ lúc còn nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ðể ngay từ bước đầu chập chững ấy, mỗi cá nhân cần biết tránh xa, thậm chí có ý thức phê phán những biểu hiệu thiếu trung thực như quay cóp, chép bài người khác… Quá trình giáo dục lòng trung thực đó tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa ở giảng đường đại học đối với các sinh viên, nhất là những chuyên ngành đặc thù, gắn bó với công việc nghiên cứu khoa học.
Ðể làm được điều này, các thầy, cô cần trực tiếp khơi dậy trong học sinh về lòng tự trọng, về danh dự mỗi cá nhân, sự cao quý của những giá trị tinh thần do mỗi người tạo lập bằng công sức lao động trí óc của bản thân. Biết trân trọng các giá trị đích thực, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tỷ lệ thuận với việc có ứng xử chuẩn mực trước các giá trị ấy. Cùng với việc giáo dục đạo đức, người học cần được trang bị cẩn thận, kỹ lưỡng những kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học, để tránh tình trạng sai sót vì sơ suất, vô tình chứ không phải do cố ý. Một trong những kỹ năng cần thiết như vậy chính là các quy định về trích dẫn, chú thích, ghi xuất xứ.
Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những phản biện xã hội, kịch liệt phê phán thói ưa hư danh, chuộng thành tích, chạy theo sự cám dỗ của tiền bạc, quyền lực. Song song với việc phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu trong hoạt động khoa học thì việc trọng dụng người thực tài với chế độ đãi ngộ xứng đáng cần chú trọng để người có tâm huyết được chuyên tâm lao động khoa học, cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Làm tốt điều này sẽ giải quyết được một việc rất quan trọng là thu hút, tập hợp được người tài, tạo môi trường thuận lợi để họ làm việc, đóng góp tâm sức, tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Kỹ năng làm việc nhóm nên được chú trọng, nhất là những công trình lớn, cần sự huy động sức mạnh làm việc của tập thể. Làm việc theo nhóm sẽ tạo ra sự giám sát cần thiết để các cá nhân vừa phát huy hết năng lực sẵn có, có cơ hội học hỏi lẫn nhau, vừa giúp phát hiện, loại bỏ tiêu cực (nếu có).
Việc bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cũng cần là một yêu cầu bắt buộc, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng trên mọi lĩnh vực, ngành nghề. Có thêm một ngôn ngữ mới sẽ giúp mỗi cá nhân có thêm cánh cửa để khám phá kho tri thức của nhân loại. Việc giỏi ngoại ngữ còn giải quyết được một vấn đề hết sức quan trọng, đó là nhanh chóng phát hiện ra sự khuất tất, những sao chép gian dối của một số cá nhân nào đó trong khi thực hiện hoặc công bố kết quả nghiên cứu.
Nhìn lại lịch sử, chỉ mấy chục năm trước đây, khi việc học ngoại ngữ ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, giao lưu quốc tế trong nghiên cứu, phổ biến, chia sẻ tri thức còn hạn chế; mạng internet chưa phát triển, quy định, nhận thức xã hội và việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn bất cập… không ít người đã lợi dụng điều này để sao chép, mô phỏng, giấu nguồn, xào xáo các tài liệu từ tiếng nước ngoài một cách trót lọt mà không bị phát hiện. Việc phát hiện chỉ xảy ra nhiều năm sau đó, khi “việc đã rồi”, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên hiện nay khi rào cản ngoại ngữ từng bước được gỡ bỏ thì điều này đã được hạn chế đáng kể.
Hiện nay đã có nhiều công nghệ hỗ trợ trong việc phát hiện nhằm chống việc đạo văn. Cụ thể, với sự hỗ trợ của internet và các phần mềm chống đạo văn, tình trạng phi liêm chính, thiếu trung thực đã được kiểm soát tốt hơn nhiều so với giai đoạn 15-20 năm trước đây. Phần mềm chống đạo văn do máy tính thực hiện sẽ nhanh chóng so sánh dữ liệu ngôn ngữ của một tác phẩm vừa hoàn thành với toàn bộ dữ liệu ngôn ngữ của các công trình khoa học cùng chủ đề được công bố trước đó. Mức độ tương đồng sẽ được công bố nhanh chóng, nếu sự giống nhau từ 20% trở lên thì tác phẩm ấy đã có thể xếp vào trường hợp cần được xem xét và đối chiếu kỹ. Do đó việc copy, xào xáo công trình của người khác chắc chắn sẽ bị phát hiện và phơi bày trước công luận, dù người đạo văn có tinh vi đến mấy.
Bên cạnh việc phơi bày những trường hợp đạo văn ra ánh sáng, cần có những chế tài xử phạt thích hợp với người bị phát hiện có hành vi đạo văn. Có thể là phạt tiền, cấm giảng dạy/công bố tác phẩm trong một khoảng thời gian nhất định, nặng hơn nữa thì thuyên chuyển công tác. Nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn là phải khơi gợi được sự trung thực, hối hận của những người đã trót mắc sai lầm. Bởi bên cạnh những biện pháp xử phạt có tính răn đe, cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mỗi cá nhân trong hoạt động khoa học, góp phần tạo ra môi trường học thuật, nghiên cứu văn minh, công bằng.
Mỗi người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cần nhận thức nghiêm khắc rằng: nếu trót dính vào đạo văn và những câu chuyện phi liêm chính trong khoa học giống như chơi một canh bạc mà người chơi biết rằng khả năng thua cuộc rất lớn. Việc phát hiện ra đạo văn không những làm mất uy tín, danh dự của người đạo văn mà còn chặn lại tất cả các bước đường phát triển công danh, tiền tài, sự nghiệp mà họ phải dày công mới tạo lập được. Khi biết tự răn mình như vậy, họ sẽ cân nhắc một sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân.
Về phía cộng đồng, cần tiếp tục khơi nguồn, khuyến khích sự đọc/văn hóa đọc một cách rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ các nhà khoa học mới cần đọc sách khoa học mà mọi độc giả phổ thông nhất cũng có thể dễ dàng bước vào thế giới tri thức mà họ yêu thích, nhất là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Bởi lẽ, mỗi độc giả có thể sẽ là một chiến sĩ thông tin trên từng trang viết. Có thêm một độc giả là có thêm sự phát hiện, cách nhìn, tiếng nói khách quan. Từ đây, mỗi người đọc có trách nhiệm sẽ cùng tham gia giám sát tính liêm chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Bởi lẽ đối với một tác phẩm/công trình vừa ra đời, một vài người đọc có thể chưa phát hiện ra các gian dối, khuất tất, những vi phạm về liêm chính khoa học (nếu có) trong tác phẩm ấy, nhưng khi con số độc giả không chỉ dừng lại ở một vài người mà lên đến hàng trăm, hàng nghìn người, thậm chí hàng vạn người thì tình hình sẽ khác. Những vi phạm về đạo đức nghiên cứu khoa học (nếu có) chắc chắn sẽ bị phơi bày. Từ đây tạo nên tiếng nói mạnh mẽ của dư luận giúp ngăn chặn hiệu quả các hành vi tiêu cực.
Từ lĩnh vực khoa học, nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, câu chuyện liêm chính khoa học cũng như liêm chính trong mọi ngành nghề luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân. Bởi đây là nền tảng rất quan trọng để xây dựng nên những giá trị chân chính, đóng góp vào sự phát triển đất nước.