BVR&MT – Có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 – 60%.
Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Ông Hà Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội thảo.
Kết hôn ở lứa tuổi trẻ em vẫn là một thực trạng khó giải quyết, tồn tại ở cả người Kinh và đặc biệt phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 – 60%, đặc biệt là ở các cộng đồng người Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru – Vân Kiều.
Trước thực trạng này, năm 2015 Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 – 2025. Trong quá trình thực hiện Đề án đá thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và sự phối hợp của một số Bộ, ngành liên quan. Tại một số địa phương có tỷ lệ tảo hôn và nguy cơ tảo hôn cao đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí đề thực hiện.
Hội thảo là dịp để các bên liên quan cùng xem xét, thảo luận những bài học về các yếu tố và rào cản chính ảnh hướng đến thực tiễn trong thực hiện phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em. Hội thảo chỉ ra những cơ hội hợp tác đa ngành của các bên liên quan và lồng ghép biện pháp can thiệp về tảo hôn vào các chương trình phát triển và chương trình kinh tế – xã hội trong điệu kiện của Việt Nam, đặc biệt đối với những dân tộc thiểu số.
Hội thảo đã được nghe một số chia sẻ kinh nghiệm hay về việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em, bao gồm cả tình trạng tảo hôn, kết hôn trẻ em do Ủy ban ASEAN trình bày; nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và cơ quan nghiên cứu trong nước về: “Nghiên cứu những yếu tố dẫn đến kết hôn trẻ em ở Châu Á”; “Kết hôn trẻ em ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Một số phân tích từ góc nhìn nhân học”…
Các đại biểu nhất trí với những khuyến nghị đưa ra tại Hội thảo về cải cách chính sách và nghiên cứu trong thời gian tới nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn ở Việt Nam sẽ được tổng hợp và giới thiệu với các Bộ, ngành, địa phương và tổ cưhức liên quan trong nước để có hành động cụ thể cho ngành, lĩnh vực cũng như từng địa phương trong cả nước.
“Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, đặc biệt trong đồng bào DTTS là một cuộc chiến lâu dài và nhiều thách thức. Để giải quyết vấn đề tảo hôn thì phải đi liền với giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội khác, tuy nhiên không thể nóng vội, mà cần có cách tác động phù hợp, hiệu quả đối với các dân tộc và vùng miền khác nhau, trong đó có cả người Kinh”, ông Hà Hùng nhấn mạnh.