BVR&MT – Bãi rác thôn Phú Cường nằm sát tỉnh lộ (TL) 305 B. Đây là nơi tập kết rác thải sinh hoạt của 2 thôn Phú Cường và Dịch Đồng, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc). Tại khu vực này, trong thời gian dài, rác thải không được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình đó, chính quyền cơ sở đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục kịp thời, bảo vệ sức khỏe người dân.
Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Cương được quy hoạch 4 vị trí tập kết, xử lý rác thải tại các thôn Phú Cường, Dịch Đồng, Chi Chỉ, Vật Cách. Riêng bãi rác tại thôn Dịch Đồng hiện đã đóng cửa, vì không còn sức chứa. Đối với 2 bãi rác tại thôn Vật Cách, Cổ Tích đã sử dụng trên 80% diện tích, không có khả năng tiếp nhận thêm. Chính vì vậy, nguồn rác trên địa bàn đổ dồn về bãi rác thôn Phú Cường.
Trước đây, tại khu vực này, tình trạng rác thải bị đổ tràn ra ngoài đường diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, còn có hiện tượng người dân từ nơi khác đến đổ trộm phế liệu công nghiệp, rác thải y tế rồi tẩm xăng đốt.
Khói bụi, khí độc theo chiều gió bay cả sang địa phận Làng Ý, khu vực Trường mầm non Đồng Tâm 2, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên và các vùng xung quanh khiến người dân bức xúc, liên tục phản ánh, kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền.
Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Đồng Cương đề xuất phương án cho xây dựng, bố trí, xử lý bãi rác thôn Phú Cường. Tuy nhiên, theo Quyết định 619 của UBND tỉnh về việc quy hoạch phân khu B1, B2, tỷ lệ 1/2000 khu vực phát triển đô thị, dịch vụ tại thành phố Vĩnh Yên, huyện Yên Lạc và huyện Tam Dương thì xã Đồng Cương không được quy hoạch bố trí bãi rác thải mới.
Mặt khác, việc bố trí bãi rác ở vị trí khác trên địa bàn không đảm bảo khoảng cách nằm cách xa khu dân cư theo quy định. Do vậy, việc quy hoạch, bố trí bãi rác mới ở vị trí thay thế bãi rác thôn Phú Cường gặp nhiều khó khăn.
Một giải pháp khác được xã đưa ra đó là các cấp có thẩm quyền cho phép Công ty Môi trường đô thị Vĩnh Yên đang thực hiện thu gom rác thải cho thành phố Vĩnh Yên được mở rộng phạm vi thu gom rác thải trên địa bàn xã Đồng Cương hoặc chỉ riêng thôn Phú Cường.
Song, theo tính toán, phương án này rất tốn kém, trong khi đó, kinh phí được cấp cho sự nghiệp môi trường giao hằng năm theo định mức của cấp xã và của nhân dân đóng góp phí vệ sinh môi trường lại rất thấp nên cũng chưa thể triển khai ngay vào lúc này.
Chủ tịch UBND xã Đồng Cương Nguyễn Văn Thà cho biết: Để ngăn chặn tình trạng đổ trộm phế thải công nghiệp, xã đã cho xây dựng hàng loạt tấm tôn ngăn cách giữa bãi rác với TL 305B, chỉ để lối vào vừa đủ cho xe ba gác của các tổ vệ sinh môi trường đến làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, sau đó xảy ra tình trạng các tấm tôn liên tục bị lấy cắp. Sự việc chỉ dừng lại khi công an xã tăng cường nắm bắt, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, gọi hỏi, răn đe một đối tượng sinh sống trên địa bàn.
Nhưng đây cũng không phải giải pháp có tính lâu dài nên lãnh đạo xã tiếp tục họp bàn tìm phương án và đi đến thống nhất sẽ thường xuyên tổ chức san gạt, đầy đến đâu lấp đến đó, phun khử khuẩn; trồng cây xanh (keo) phủ quanh bãi rác để hạn chế mùi hôi khuếch tán theo chiều gió, ngăn các loại túi nilon, rác thải khác bay xuống đồng, ra đường. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm bầu không khí đã giảm đáng kể, người dân không còn phải hứng chịu mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác.
Đến cuối năm 2022, khi dự án Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung được xây dựng tại xã Tam Hồng đi vào hoạt động, với công suất gần 18.300 tấn/năm, tương đương 50 tấn rác thải/ngày, đêm, địa phương sẽ đề xuất cấp trên được chuyển toàn bộ rác thải sinh hoạt của xã về đây xử lý.
Trước mắt, chính quyền xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với quân sự thực hiện công tác tuần tra, theo dõi, không để xảy ra tình trạng đổ trộm và đốt trộm rác thải; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm để răn đe, làm gương.