Các nhà nghiên cứu ở Indonesia đã khai thác khả năng của big data để theo dõi hoạt động buôn bán chim trên mạng, và đề xuất sử dụng hệ thống giám sát big data như một công cụ quan trọng trong bảo tồn bởi hiện nay đang không có bất kỳ nền tảng nào khác có thể trấn áp nạn buôn bán nói trên.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) đã phát triển “Máy vectơ hỗ trợ” nhằm thu thập tất cả các quảng cáo bán chim công khai trên một thị trường trực tuyến ở Indonesia, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2021. Kết quả, công cụ này đã tìm thấy 326.201 bản ghi về các quảng cáo có liên quan, và tổng cộng 284.118 cá thể chim được quảng cáo.
“Đánh giá từ kết quả chúng tôi thu thập được, có thể thấy rằng việc mua bán chim trên nền tảng trực tuyến có tỷ lệ thành công cao,” tác giả chính của nghiên cứu – Beni Okarda chia sẻ.
Nuôi sẻ hót là một thú tiêu khiển phổ biến ở Indonesia, đặc biệt là đối với những người Java – những người coi việc nuôi chim là biểu thị địa vị và có thể giúp họ thư giãn. “Thú vui” này đã mở rộng ra ngoài phạm vi Java, phần lớn nhờ vào chương trình của chính phủ di dời cư dân Java đến các vùng khác trên đất nước. Vì vậy, thú nuôi chim bắt đầu phát triển ở những vùng này.
Các nghiên cứu trước đây về việc buôn bán chim đã nhấn mạnh vào các thị trường đô thị ở Java và Sumatra. Một báo cáo năm 2005 ước tính rằng trung bình có 614.180 con sẻ hót bản địa đã bị bẫy và bị mang ra mua bán hằng năm trên cả hai hòn đảo.
Sẻ hót cũng được ưa chuộng vì chúng có thể tham gia các cuộc thi, thúc đẩy sự phát triển của các mạng lưới câu lạc bộ, diễn đàn trực tuyến và blog. Tháng 3/2018, tổng thống Joko Widodo (chính ông cũng là một nhà sưu tập và hâm mộ chim hót) cho biết nghề nuôi chim ước tính đóng góp khoảng 1,7 nghìn tỷ rupiah (114 triệu USD) cho nền kinh tế nước này.
Okarda cho biết các loài chim mà họ xác định được trong các danh sách mua bán trực tuyến phần lớn phản ánh thành phần các loài chim được các hộ gia đình nuôi – số liệu được xác định trong một nghiên cứu năm 2020. Nhóm nghiên cứu của Okarda cũng phát hiện ra rằng hơn 6% các quảng cáo, tương đương hơn 18.000 quảng cáo, có liệt kê các loài bị đe dọa, chẳng hạn như chim sáo đá Java và chào mào đầu rơm.
Một đặc điểm khác mà nghiên cứu nhấn mạnh là hầu hết những người bán chim không phải là thương nhân đúng nghĩa, có nghĩa là họ không mua và bán những con chim này vì mục đích thương mại, mà vì họ là những người có sở thích trao đổi chim. Hầu hết họ sống tại Java, với gần như tất cả các giao dịch đều diễn ra trong cùng địa điểm đó.
“Tôi tin rằng cơ sở hạ tầng [thương mại điện tử]… là một trong những yếu tố chính góp phần vào thành công của hoạt động buôn bán chim trực tuyến”, Sonya Dyah Kusumadewi, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, đồng thời đề cập đến internet – thứ có thể truy cập rộng rãi, và rất nhiều loại dịch vụ vận chuyển, đặc biệt là dịch vụ giao hàng trong ngày.
Theo TRAFFIC, một nhóm giám sát buôn bán động vật hoang dã, Indonesia là nơi có số lượng chim bị đe dọa lớn nhất ở châu Á. Đối với Indonesia, có một danh sách các loài được bảo vệ nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bắt hoặc buôn bán một số động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Bất cứ ai bị buộc tội săn bắt các loài được bảo vệ trong môi trường hoang dã sẽ phải đối mặt với án tù 5 năm và bị phạt 100 triệu rupiah theo Đạo luật Bảo tồn 1990.
Nhưng chính phủ cũng cho phép hạn ngạch nhất định cho các cơ sở chăn nuôi đã đăng ký việc bắt và nuôi nhốt một số loài có trong danh sách trên. Những cơ sở này sau đó có thể bán con non – những con không nằm trong danh sách được bảo vệ.
Các nhà bảo tồn cho biết, vấn đề chính là nhiều người không đăng ký cho cơ sở của họ hoặc cho những loài mà họ nhân giống. Kết quả, có khả năng cao những con chim mà họ định nuôi thực sự đã bị bắt trong tự nhiên. Theo TRAFFIC, việc tăng hạn ngạch động vật được phép nhân giống trong các cơ sở bảo tồn thương mại của Indonesia dường như đang thúc đẩy hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Ngoài ra, các nhà sưu tập ưa thích những con chim được bắt trong tự nhiên hơn, vì họ tin rằng chúng hót hay hơn những con được nuôi nhốt. Họ sẵn sàng trả một mức giá rất cao cho chim tự nhiên – động lực khiến cho những kẻ buôn chim lựa chọn săn bắt ngoài tự nhiên hơn là chật vật nhân giống chúng.
Nhiều năm qua, các nhà bảo tồn đã kêu gọi chính phủ sửa đổi Đạo luật Bảo tồn và bổ sung việc quản lý hoạt động buôn bán động vật hoang dã trực tuyến. Nhưng các nỗ lực trên đều không thành công. Các nhà quan sát cho biết, mặc dù luật pháp hiện hành về buôn bán động vật trực tuyến có thể giải quyết vấn đề này, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn các hoạt động trên thực tế.
Vào năm 2017, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã đã phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật Indonesia để truy bắt những kẻ buôn bán trái phép. Tổ chức này cho biết ít nhất 40% những kẻ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở nước này đã sử dụng các nền tảng trực tuyến như WhatsApp để thực hiện các giao dịch của họ kể từ năm 2011. Hiệp hội cũng ước tính giá trị buôn bán động vật bất hợp pháp ở mức 13 nghìn tỷ rupiah (868 triệu USD) một năm.
Okarda hy vọng những phát hiện trong nghiên cứu mới này và công cụ giám sát big data mà họ đã phát triển có thể giúp các cơ quan chức năng Indonesia quản lý thị trường trực tuyến. Ông cho biết Indonesia là một điểm nóng về động vật hoang dã toàn cầu và là một trong những thị trường trực tuyến lớn nhất thế giới. Và thật khó hiểu khi nước này không có hệ thống giám sát cho thị trường buôn bán chim sẻ hót trên nền tảng số.
Okarda cho rằng: “Việc giám sát hoạt động buôn bán sẻ hót cũng cần được mở rộng sang thị trường trực tuyến.”