Giảm nghèo hiệu quả ở Mường Ảng. BVR&MT – Mường Ảng (Điện Biên) là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ.
Dân số trung bình của huyện năm 2020 là trên 49.000 người; trong đó dân số nông thôn chiếm 88,89%. Những năm qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách về giảm nghèo bền vững luôn được quan tâm đầu tư, thực hiện và thực sự phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những năm qua, xã Búng Lao đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhanh như: Nghị quyết 30a; Quyết định số 135/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; xây dựng nông thôn mới và các chương trình giảm nghèo khác…
Chủ yếu là các dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả nhanh; tín dụng ưu đã cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giải quyết việc làm và dạy nghề; hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh…
Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ở Búng Lao có nhiều thay đổi. Toàn xã đã có đường bê tông kiên cố đến từng thôn bản. Từ nguồn hỗ trợ con giống, cây giống, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế thành mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lò Văn Thức – Phó Chủ tịch UBND xã Búng Lao cho biết, các chương trình về giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn xã thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5 – 7%/năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 16%. Trong quá trình thực hiện, chính quyền xã đều lấy ý kiến của người dân, lắng nghe nguyện vọng của người dân về nhu cầu hỗ trợ để có phương án thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, xã Búng Lao đã được bố trí nguồn vốn gần 5 tỷ đồng để thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững. Các dự án, tiểu dự án đã được triển khai đúng tiến độ. Chính quyền xã đã bố trí kinh phí kịp thời từ ngân sách Trung ương; đồng thời, huy động được sự tham gia đóng góp, hưởng ứng của bà con để thực hiện giảm nghèo bền vững.
Hiện xã Búng Lao đã được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nhưng tiêu chí hộ nghèo vẫn còn cao. Bởi vậy, thời gian tới, xã sẽ thực hiện lồng ghép nhiều chương trình dự án nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống dưới 12% – ông Thức chia sẻ.
Đối với xã Ẳng Nưa, các chương trình giảm nghèo hiệu quả cũng đã thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn của xã, góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo. Năm 2011, Ẳng Nưa cũng là một xã khó khăn trong huyện với tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Từ việc thụ hưởng các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 8%. Ẳng Nưa cũng là xã đầu tiên cán đích nông thôn mới trong toàn huyện Mường Ảng vào năm 2017.
Bà Lò Thị Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa cho biết, giai đoạn 2014 – 2019, nhiều hộ dân trên địa bàn được hỗ trợ trâu, bò, máy móc và cây trồng để xóa đói giảm nghèo. Xã luôn thực hiện hỗ trợ theo nguyện vọng của bà con; đồng thời, cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng phương pháp để phát huy hiệu quả tối đa nguồn hỗ trợ, giúp xóa đói giảm nghèo.
Giai đoạn 2009 – 2020, tổng nguồn vốn đã thực hiện của các chương trình giảm nghèo hiệu quả và bền vững trên địa bàn huyện Mường Ảng hơn 3.300 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2009 – 2015 hơn 2.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020 gần 1.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chương trình 30a thực hiện trong giai đoạn 2009 – 2020 hơn 2.300 tỷ đồng, chủ yếu triển khai các chính sách như: hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giáo dục, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách tăng cường, thu hút cán bộ, tri thức trẻ; đầu tư cơ sở hạ tầng và các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả khác.
Đối với chương trình 135, tổng nguồn vốn đã thực hiện hơn 60 tỷ đồng nhằm thực hiện các dự án về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ con giống, máy móc, công cụ sản xuất phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và thực hiện các mô hình giảm nghèo hiệu quả . Huyện đã thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo như: xây dựng nông thôn mới; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo khác…
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 (theo chuẩn nghèo đơn chiều giai đoạn 2011 – 2015) là 68,43%, đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 36,53% (bình quân giảm 6,41%/năm, đạt 160,3%); giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn đa chiều) năm 2015 là 54,91% đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 30,85% (bình quân giảm 6%/năm, đạt 150% mục tiêu của Chương trình 30a). Thu nhập bình quân đầu người trong huyện năm 2020 đạt 32,29 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp – Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn dưới 30% năm 2020. Các chính sách, cơ chế hỗ trợ giảm cơ bản giải quyết được những vấn đề cấp bách nhất của huyện nghèo như: điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà ở; hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm; hỗ trợ trực tiếp các nhu cầu thiết yếu cho người nghèo, người dân tộc thiểu số…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 giảm nhanh, song chưa bền vững; một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo đầu tư còn dàn trải, chồng chéo, trùng lặp chế độ, đối tượng trên cùng một địa bàn, việc hỗ trợ còn mang tính bình quân, mức hỗ trợ thấp, hiệu quả chưa cao; việc lồng ghép nguồn lực, hoạt động giữa các chương trình khác với chương trình, dự án giảm nghèo còn nhiều bất cập, nhất là trong đầu tư cho thôn, bản đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Mặt khác, các công trình được đầu tư từ năm 2015 trở về trước đã xuống cấp, nhưng nguồn kinh phí bố trí cho công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm thấp, cơ bản không đáp ứng nhu cầu.
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Mường Ảng sẽ tập trung vào 2 chương trình mục tiêu quốc gia chính là giảm nghèo hiệu quả và xây dựng nông thôn mới; tăng nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo đáp ứng nhu cầu giảm nghèo bền vững của các địa phương, đặc biệt là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng công trình; thường xuyên bám sát cơ sở để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, tìm ra các nguyên nhân dẫn đến đói nghèo để đề ra giải pháp khắc phục, tổ chức thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm phải thực hiện quyết liệt, đúng quy trình, đúng đối tượng.