BVR&MT – Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 3.000 tòa chung cư, 10% trong số đó đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân. Những bất đồng đã làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân.
Một trong những vướng mắc giữa các chủ đầu tư và cư dân là sự phân chia lợi ích trong quá trình sử dụng các phần diện tích chung. Hiện nay, ở hầu hết các chung cư, phần diện tích chung được chủ đầu tư trực tiếp hoặc thuê bên thứ ba quản lý, khai thác. Để thực hiện công việc, đơn vị quản lý thường sử dụng một đội ngũ lao động rất cồng kềnh, hiệu suất không cao.
Một số chung cư cao cấp thuê đơn vị quản lý, vận hành nước ngoài, sử dụng công nghệ do đơn vị quản lý cung cấp. Điều này đã làm giảm được số người lao động trực tiếp nhưng chi phí thuê quản lý rất cao, thậm chí, còn có thể xảy ra những vấn đề về an ninh cho cư dân bởi các phần mềm “ngoại nhập” và hệ thống “mắt thần” được gắn khắp nơi.
Nền tảng của việc số hóa quản lý chung cư dựa trên thế mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông, Internet vạn vật (IoT) để nâng cao hiệu suất, chất lượng quản lý và giảm chi phí.
Trong khi đó, nếu triển khai thì hầu như các doanh nghiệp đều phải mua bản quyền phần mềm quản lý thông minh của đối tác nước ngoài.
Bên cạnh chi phí cao, liên tục phải cập nhật cũng như những lo ngại về an ninh, còn có những khác biệt trong văn hóa ứng xử, đặc điểm xã hội… dẫn đến vướng mắc trong quá trình vận hành.
Đặc thù của hệ thống quản trị thông minh là sự tương tác đa chiều, mà phần mềm được phát triển bởi các doanh nghiệp nước ngoài dựa trên chiều tương tác phù hợp với thể chế xã hội của các nước phát triển.
Cơ hội tưởng như được mở ra cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, công cuộc “khởi nghiệp” của các doanh nghiệp tham gia vào thị trường số hóa trong quản lý chung cư lại không hề đơn giản. Như chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp thuần Việt hoạt động trong lĩnh vực quản trị số, chưa có nhiều doanh nghiệp biết về hoạt động của quản trị số thuần Việt, cho nên sự tin tưởng không lớn. Ngoài ra, nhiều đơn vị quản lý chung cư, khu đô thị ngại thay đổi và ngại chi phí phát sinh.
Hiện nay, nhiều tòa nhà đã đưa vào ứng dụng nền tảng của một nhóm nhà khoa học người Việt Nam để quản lý theo hướng tích hợp hệ thống thoát nước, lưu trú, an ninh, dịch vụ sửa chữa, giải trí, mua sắm… như Khu đô thị sinh thái HaDo Charm Villas (chủ đầu tư là Công ty Hà Đô); chung cư IEC Residences (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và cơ điện IEC); chung cư CT 2B Gelexia Riverside (855 Tam Trinh); CT 5C Văn Khê (Hà Đông); CT 1A-A10 Trung Yên (Cầu Giấy); chung cư Thanh Bình Garden (Hoàng Mai); CT 17 Việt Hưng (Long Biên)… đều nhận được phản hồi tích cực của đơn vị quản lý và cư dân.
Tuy nhiên, thị trường luôn cần nhiều món hàng hơn, nhiều lựa chọn hơn. Và việc xây dựng, phát triển nền tảng số cho chung cư vẫn còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp “nội”.
Quản trị số cho chung cư là giải pháp tối ưu giúp người dùng, đơn vị quản lý cũng như cơ quan chức năng giải quyết tốt những vấn đề phát sinh gây tranh chấp ở các chung cư hiện nay. Trong tương lai, nội dung quản trị số cần được trở thành điều kiện bắt buộc đối với các dự án chung cư và đô thị.
Quản trị số cho chung cư là giải pháp tối ưu giúp người dùng, đơn vị quản lý cũng như cơ quan chức năng giải quyết tốt những vấn đề phát sinh gây tranh chấp ở các chung cư hiện nay. Trong tương lai, nội dung quản trị số cần được trở thành điều kiện bắt buộc đối với các dự án chung cư và đô thị. |