BVR&MT- Với phân khúc bao bì chiếm hơn 40% trong cơ cấu sản phẩm nhựa toàn cầu và là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với tốc độ trung bình 10% (cá biệt một số nước châu Á tăng đến 20%), khối lượng nhựa 400 triệu tấn bao gồm cả 500 tỷ túi nylon cùng các loại nhựa đóng gói, đựng hàng và ống hút mỗi năm thế giới sử dụng nay đã trở thành hiểm họa cho môi trường sống, tạo nên “Ô nhiễm trắng” hiện tại.
Plastic, Nylon chúng ta vẫn quen gọi là nhựa, đã ra đời cách đây 80 năm, đến nay đã làm thay đổi thế giới rất nhiều và nhanh chóng phủ sóng hầu hết trên nhiều lĩnh vực đời sống với ưu điểm vượt trội của mình. Điều đáng lo ngại là chỉ 5% rác nhựa được tái sử dụng, phần còn lại vẫn tồn tại trong môi trường cùng với lượng rác nhựa thải vào các đại dương khoảng 140 triệu tấn với liều lượng gần 13 triệu tấn hàng năm mà phần lớn từ châu Á, trong đó Việt Nam nằm ở Top 5 nước gây họa này nhiều nhất… Rác nhựa chiếm 80 đến 85% tổng lượng rác các loại trên biển và khoảng 30 năm nữa lượng rác nhựa sẽ bằng lượng cá trên các đại dương nếu tình hình này không thay đổi.
Với vị trí nhóm đầu bảng thủ phạm gây ô nhiễm rác nhựa đại dương thì chắc chắn thành tích về sản xuất, tiêu dùng đồ nhựa ở Việt Nam không phải loại vừa với năng lực hơn 5 triệu tấn/năm (dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới) và việc xả thải bừa bãi lượng nhựa tiêu thụ lớn khủng khiếp như vậy đã làm ô nhiễm tràn lan rác thải nhựa ở mức cực kỳ nghiêm trọng trên cả nước với hiểm họa ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người, nhưng chỉ phải bằng mọi cách để thu hồi, tái chế, chứ nếu đốt bỏ, chúng lại sẽ tạo ra khí thải làm ô nhiễm không khí với chất độc CO,CO2, dioxin và furan… Đã đến lúc phải có mối quan tâm đặc biệt và biện pháp hiệu quả để giải quyết mối hiểm họa này. Hiện, Chính phủ đang nỗ lực trong việc giảm thiểu rác thải nhựa với 3 định hướng chính sách là: Cải thiện môi trường pháp lý; Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường và Định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả các chính sách trên thì sự bắt tay giữa khu vực công – tư đóng vai trò quyết định.
Điều đầu tiên cần phải thừa nhận là với sản phẩm nhựa có bản chất phục vụ tiện ích cho nhu cầu xã hội, ngành nhựa không phải là thủ phạm của tình trạng rác thải nhựa mà chính chúng ta là người cần phải chịu trách nhiệm cho hành vi xả rác bừa bãi. Việc xả rác nhựa hủy hoại môi trường không phải lỗi của nhà sản xuất hay nhà phân phối, mà do hành vi bất cập, vô ý thức của người dùng, nên dựa vào hậu quả tai hại của việc xả thải chả phải do họ làm mà bắt họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp hệ lụy thì thật vô lý, không công bằng, không đúng pháp luật, thậm chí là phản đạo lý. Cái sản phẩm làm ra với chức năng phục vụ đời sống, chính đáng, đường hoàng, có đánh thuế và góp phần vào GDP không thể bị xem là “công cụ gây án” bị phạt, bị thu tiền, bị lên án, bị tẩy chay… Theo hướng nhận thức này thì ngành nhựa không phải là tội đồ của ô nhiễm trắng và những động thái “trừng trị” ngành nhựa thực chất là đang đánh vào chính chuỗi cung ứng cho xã hội mọi sản phẩm tiện ích nhất ở mọi ứng dụng cho sản xuất, đời sống. Nếu có “tội” thì trách nhiệm của ngành nhựa với môi trường chỉ là gián tiếp, liên đới thôi chứ không phải là trực tiếp nhưng trớ trêu là đã không phải thủ phạm mà nay ngành nhựa đang chính là nạn nhân của dư luận với các khẩu hiệu chống nhựa. Dù sao đi nữa, trước vấn nạn do mình tạo điều kiện gây ra, ngành nhựa cũng phải thể hiện trách nhiệm cộng đồng của mình với xã hội mà sản phẩm mình đang thu lợi.
Nếu coi việc cấm xả thải nhựa ra môi trường là phần ngọn thì cần giải quyết phần gốc là thay đổi hành vi xả thải của con người – chính là nguồn cơn vụ việc, đồng thời tăng cường khả năng thu hồi tái chế chất thải nhựa sau sử dụng, chứ không phải là cấm hay chế tài quá mức sản phẩm nhựa khi tự thân nó đã tối cần thiết cho đời sống. Dĩ nhiên là bây giờ, chỉ có sản phẩm nhựa có gốc PE poly-ethylene chỉ dùng 1 lần được coi là “tội phạm môi trường”, bị hô hào tầy chay, bị “phân biệt đối xử” và phải chịu thuế môi trường, nhưng xem ra danh sách chính phạm và đồng phạm còn tiếp tục dài ra khi thống kê thực tế cho biết lượng ống hút nhựa, chai nước PET, nhựa PS, PVC, PP và vải sợi polyester phế thải cũng đang tác hại ghê gớm, nên chỉ đánh thuế trên các sản phẩm nhựa PE dùng 1 lần như hiện nay là chưa đủ khi các loại nhựa kia chưa bị đưa vào danh sách chịu thuế. Thế nên, tuy không trực tiếp gây họa cho môi trường nhưng nhà kinh doanh, phân phối mọi mặt hàng nhựa –nhất là nhựa dùng 1 lần, khó thu hồi… cần chịu trách nhiệm gián tiếp bằng Thuế khi góp phần tạo mối họa nhựa trên. Đối tượng của Thuế Môi trường là Đơn vị kinh doanh tung ra thị trường thành phẩm có bao bì nhựa. Nếu bao bì nhựa chính là thành phẩm tiêu dùng thì nhà sản xuất chính là nhà phân phối -đối tượng chịu thuế.
Trên tinh thần này, trách nhiệm gián tiếp về xả thải bừa bãi rác nhựa là của nhà kinh doanh, phân phối sản phẩm cuối cùng có dùng bao bì nhựa đó chứ không phải của nhà sản xuất theo nguyên tắc sản phẩm nào gây vấn xã hội, môi trường thì người bán phải chịu trách nhiệm liên đới xử lý tác hại của nó gây ra, và phải hiểu đó là “trách nhiệm xã hội” về mặt đạo lý chứ không phải là cách hiểu pháp lý, vì ai gây tội mới bị trừng phạt, và tội xả thải môi trường là gián tiếp của người thu lợi từ thành phẩm và trực tiếp của người sử dụng chứ không phải do nhà sản xuất cung ứng bao bì nhựa. Chính vì thế, thuế môi trường là thể hiện nghĩa vụ đạo lý của người kinh doanh sản phẩm để chi phí cho xã hội khắc phục hậu quả khác do mặt hàng mình thu lợi gây ra đồng thời họ phải có biện pháp thu hồi chất thải đó sau sử dụng để được “hoàn thuế” và tận dụng nguồn nguyên liệu tái sinh cho sản xuất. Điều tối cần là phải xác định được đúng đối tượng và mục tiêu trọng tâm để đánh thuế chứ không phải đánh theo kiểu “phạt nó vì nó làm chai cho người ta đi đâp bể đầu đứa khác “ hay “sản phẩm nó gây họa, không cần biết do ai làm, đánh thuế nó cái đã” hoặc “không cấp nước cho nó là khỏi phải bận tâm chuyện nước thải ” !
Phải nói là rất khó để cấm đoán hay hạn chế một vật liệu đã trở nên gắn bó sâu sắc trong nền kinh tế hiện đại, tuy nhiên các chuyên gia đã cho rằng với vấn nạn rác thải nhựa hiện nay, chìa khóa giải pháp vẫn là giảm nhựa sử dụng một lần nhưng cần có lộ trình, là tham vấn trước với ngành công nghiệp nhựa để họ đầu tư các công nghệ thân thiện môi trường, đủ thời gian để xây dựng sự hỗ trợ cộng đồng, thực thi mạnh mẽ các chế tài xả thải nhựa và sử dụng các ưu đãi cũng như nỗ lực thu hồi các sản phẩm nhựa đã thải. Trên thực tế, tại Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường nhưng độ phủ trên thị trường chưa phổ biến với 43 sản phẩm của 38 doanh nghiệp. Điều tốt lành mang tính đột phá là mới đây, 9 công ty “đại gia” chiếm lĩnh thị trường công nghiệp thực phẩm có liên quan đến bao bì nhựa sản phẩm cũng đã cùng nhau thành lập 1 Liên minh Pro Vietnam để chung tay xử lý các vấn đề bao bì sản phẩm thân thiện môi trường và thu hồi tái chế sau tiêu thụ.
Sự kết hợp giữa đòn bẫy tài chính là thu thuế môi trường trên sản phẩm nhựa dùng 1 lần với định hướng sản phẩm nhựa thân thiện môi trường và giáo dục uốn nắn hành vi xả thải nhựa… là con đường cần phải đi của đất nước. Theo đó, Chính phủ cần phải đánh thuế môi trường lên cả 2 loại : Nhựa PE dùng 1 lần (như đang làm hiện nay) cùng với nhựa PET, PVC, PP và PS dùng 1 lần theo cùng 1 giá trị (40.000 đ/ kg, từ 2019 là 50.000 đ/kg) hay cùng 1 thuế suất (100% trị giá tiền hàng nhựa hóa đơn) thì xã hội sẽ có thêm nguồn lực tài chính để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chính đối tượng này. Thuế Môi Trường này áp dụng cho mọi sản phẩm nhựa có độ dày tối thiểu là 50 micron và từ sàn này, cứ mỗi 5 micron giảm mỏng đi sẽ trả thêm 20% tiền thuế. Điều đáng quan ngại là trong thực tế thu thuế môi trường loại sản phẩm PE dùng 1 lần vừa qua, Nhà nước chỉ thực thu được 50 tỷ đồng trên con số lý thuyết dự kiến nếu thu đầy đủ là 20.000 tỷ đồng –chỉ đạt 0,25 % (!?), vì những lỗ hỗng liên quan đến đối tượng thu và con số hàng lậu từ vô số đơn vị sản xuất nhỏ lẻ trốn thuế hay lách thuế với chế độ khoán thuế khác…
Do đó, vấn đề chủ yếu là phải thu đủ từ bất kì đơn vị nào có kinh doanh mặt hàng có bào bì nhựa, chứ không chỉ thu trên các đơn vị sản xuất bao bì có khai thuế chính thức như hiện nay, và cứ là thành phẩm có bao bì nhựa là bị thu thuế chứ không phân biệt nó sẽ được sử dụng cho việc gì nữa vì sau lần sử dụng cuối nó cũng bị thải vào môi trường, nếu muốn “ngoại phạm” thì phải thu hồi để gỡ gạc phần nào tiền thuế môi trường đã đóng theo kiểu hoàn thuế. Theo cách hiểu này thì tiền thuế môi trường được đóng coi như 1 giá trị ký quỹ cho Nhà nước để bảo đảm trách nhiệm thu hồi sản phẩm hàng hóa nhựa của mình không trở thành rác thải khó kiểm soát. Và hợp lý, công bằng hơn, không thể để đơn vị sản xuất chất liệu tối cần thiết cho cuộc sống có đóng thuế đầy đủ mà bị chính Chính quyền và xã hội mình đang phục vụ đó tẩy chay và triệt phá bằng khẩu hiệu “Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần” thay vì “Nói không với việc xả rác nhựa !” nghe ra chính xác hợp lý hơn.
Với cách làm này, để thu đúng, đủ, công bằng, nên chăng quy định thuế môi trường phải được thu y như phương pháp thu thuế giá trị gia tăng với thuế suất là 100% trên tiền hàng hóa đơn hay trên giá trị thu thuế bất biến 50.000 đ/ kg từ đơn vị phân phối đầu tiên thứ A1 đến đơn vị phân phối đầu cuối thứ An cho thị trường tiêu thụ khi sản phẩm đã thành bao bì cho sản phẩm hàng hóa khác. Nếu sản phẩm bao bì không phải là để đóng gói nửa thành phẩm khác mà là thành phẩm đi thẳng ra thị trường (như túi đựng, bao nylon) thì nhà sản xuất chính là nhà kinh doanh phân phối, là đối tượng thu thuế. Các đơn vị trong chuỗi phân phối sẽ được hoàn thuế theo luật định khi chứng minh được chứng từ thuế môi trường đầu vào, riêng đơn vị thứ An sẽ được hoàn thuế tương ứng trên số lượng sản phẩm sau sử dụng được thu hồi.. Nói như thế đồng nghĩa với đơn vị kinh doanh phân phối cuối cùng loại sản phẩm có bao bì nhựa phải trả thuế môi trường chứ không phải là đơn vị sản xuất loại bao bì đó, khác hoàn toàn với khái niệm trước đây để thu 1 lần từ nhà sản xuất (Dĩ nhiên cuối cùng gánh vẫn là người tiêu dùng !).
Cụ thể hơn : Thí dụ nhà máy A sản xuất chai nhựa cung cấp cho công ty nước giải khát B đóng chai mặt hàng nước ngọt có ga bán ra thị trường. Nhà máy A không chịu thuế môi trường hay nếu chịu thì cũng được hoàn thuế, công ty B phải chịu thuế môi trường và chỉ được hoàn thuế khi nhà phân phối tiếp theo trả thuế môi trường lô hàng, và đầu cuối hệ thống phân phối chỉ được hoàn thuế tương ứng với lượng phế phẩm cùng kỳ của loại hàng đó nếu thu hồi được trên thị trường nội địa. Hàng xuất khẩu không phải chịu thuế môi trường hay nếu đã chịu thuế môi trường ở đầu chuỗi rồi mà đơn vị phân phối nào trong chuỗi ký xuất khẩu được hàng hóa thì lô hàng ấy cũng được hoàn thuế đủ do không cần tổ chức thu hồi phế phẩm. Đó là cách thu thuế môi trường sản phẩm nhựa dùng 1 lần theo như cách thu VAT.
Nhằm kích thích nỗ lực thu hồi phế phẩm ở khâu phân phối cuối cùng, có thể quy định giá trị hoàn thuế tỷ lệ thuận theo đúng tỷ lệ % thu hồi trả cho lô sản phẩm thu hồi trong cùng định kỳ 1 tháng nếu đạt tương ứng trên sản lượng bao bì lô hàng cùng kỳ, càng thu hồi nhiều càng được trả đủ tiền thuế môi trường đã đóng và sàn số lượng thu hồi phải đạt từ 30% lượng bán ra. Chứng từ hoàn thuế tách riêng dựa trên phế phẩm thu hồi so với sản phẩm bán ra cùng kỳ chứ không dựa vào hóa đơn của lô hàng đó. Như vậy vừa tránh được thất thu tiền thuế môi trường từ muôn ngàn các đơn vị sản xuất kinh doanh trực tiếp bao bì nhỏ lẻ ở đầu chuỗi cung ứng bao bì mà đơn vị đầu cuối chuỗi cung ứng sẽ bằng mọi cách lập kênh thu hồi ngược để càng đạt hiệu suất hoàn thuế và Nhà nước cũng đương nhiên không cần chi tiền để xử lý số sản phẩm thu hồi đó không bị đào thải vào môi trường và chính số tiền dư được theo hiệu suất bao nhiêu phần trăm chưa thu hồi đủ cũng tương ứng với chi phí bao nhiêu % đó để xử lý số còn vương vãi trong môi trường, vừa hợp lý, vừa sòng phẳng, vừa là đòn bẫy tài chính để tăng cường thu hồi được phế phẩm. Nếu Nhà nước muốn tái phân phối thuế môi trường cho mục tiêu khác thì sẽ quy định mức % hoàn thuế thấp hơn.
Ở mặt kia của vấn đề, việc thu hồi tái chế các phế phẩm nhựa là cực kỳ quan trọng để vừa giải quyết được ô nhiễm, vừa tận dụng được nguyên liệu cho sản xuất như 1 nguồn tài nguyên tái tạo. Dựa trên tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân hiện tại, sự phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh, cho thấy cơ hội phát triển cho ngành tái chế nhựa là rất lớn. Ngành nhựa Việt Nam cho rằng, chỉ cần sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 – 50% / năm, các doanh nghiệp đã có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Bởi vậy, song song với giải pháp mang tính kinh tế bằng công cụ thuế môi trường, ta còn phải chú trọng những giải pháp mang tính kỹ thuật để vận hành một cách tối ưu guồng máy tái chế, tái sinh. Trước vấn nạn rác nhựa đã mang tầm vĩ mô đang ngày càng trầm trọng, ta không còn nhiều thời gian để nghiên cứu, khảo sát, thực nghiệm, ứng dụng nữa, nên việc đi tắt đón đầu bằng học tấp kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ từ những đất nước có hoạt động hiệu quả trong việc xử lý tái chế này, và mọi việc phải bắt đầu ngay từ bây giờ, không thể để muộn hơn.
Nhìn ra bên ngoài, ta thấy rõ là các quốc gia có nền kinh tế phát triển đều đã xây dựng một chiến lược quản lý chất thải rắn, trong đó chính sách thu hồi và tái sinh chất thải nhựa đóng vai trò tất yếu trong toàn bộ hệ thống. Có thể điểm qua 1 số nước như : Áo dùng công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET bằng công nghệ cao, sử dụng enzim một loại nấm để tái chế để phân huỷ thành phân tử và sau đó dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao; Bỉ đã đứng đầu thế giới với 75% rác được tái chế, tái sử dụng khi dùng 2 quy trình quản lý rác thải cực kỳ tiên tiến là Ecolizer và Sự kiện xanh, là 2 hệ thống trên web để quản trị việc sản xuất, đảm bảo lượng rác thải thấp và sạch, có cải tiến trong quy trình và thiết kế sản phẩm giảm hệ quả xấu tới môi trường và những sự kiện để giảm rác thải từ trong trứng nước bằng mọi cách; Nhật Bản thì quản lý rác thải theo chiều sâu, bắt nguồn từ ý thức phân loại rác, đổ rác đúng nơi của người dân tiến đến việc gom đốt rác thải một cách triệt để bằng công nghệ CFB (Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi) tiêu huỷ hết rác trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu cứng đầu nhất, cùng giá thành rẻ, giảm lượng khí thải và tận thu lượng nhiệt năng để sản xuất điện, đồng thời họ cũng dùng rác chôn lấp làm các cụm đảo nhân tạo trồng cây xanh làm “bộ máy điều hòa nhiệt độ thiên nhiên” khổng lồ; Singapore cũng ứng dụng hệ thống biến rác thành năng lượng sạch thông qua 4 lò đốt khép kín giúp xử lý 90% lượng rác theo quy trình thu gom, cân lượng, hầm kín, nghiền nát, đốt. và hơi nhiệt sinh ra sản sinh điện năng, cũng như khói đốt rác được lọc cẩn thận giúp loại bỏ những chất gây ô nhiễm độc hại trước khi xả vào không khí, chỉ còn lại tro. Tro và những vật liệu kim loại thông thể đốt cháy sẽ được hệ thống đặc biệt loại bỏ và chuyển đi chôn lấp …
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã tái chế được 70% lượng rác thải nhựa hàng năm, cá biệt Đức nhờ sáng kiến phân loại rác theo màu gọi là “Green Dot” đã xoay vòng được 80% lượng nhựa họ sử dụng. Điểm đặc biệt của Green Dot chính là các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ trả phí cho sản phẩm và cái nào cứ có nhiều bao bì đóng gói thì mức phí càng cao. Kinh nghiệm gần gủi nhất để ta có thể học hỏi áp dụng là từ những quốc gia có điều kiện phát triển giống VN nhất, là Ấn Độ và Mexico. Nhiều bang ở Ấn Độ từ sau 2003 có lệnh cấm, phạt tù việc sản xuất, bán và sử dụng túi nylon đã dùng nhiều cách thu gom tái chế nhựa với đội quân nghèo khó nhặt rác đông đảo cộng thêm sáng kiến đặc sắc phương thức trả học phí, vé xe bằng chai nhựa và túi nylon… để thu gom lượng lớn nhựa bị xả thải mà tái chế làm bê tông polyme với nhiều tính năng tốt như chống ăn mòn, chịu nhiệt, chịu nén và có độ bền kéo tốt hơn so với bê tông thông thường để sử dụng trong nhiều công trình xây dựng như đường xá, cống hộp, thùng chứa chất thải nguy hại, các rãnh nứt, sàn và làm lớp phủ bề mặt bê tông xi măng như đường và cầu bị hư hỏng và mặt khác họ cũng dùng công nghệ tạo ra sản phẩm thay thế từ nông sản, rất an toàn không chứa chất bảo quản, hóa chất, chất béo, chất nhũ hóa hay màu nhân tạo…để phủ lại thị trường. Còn ở Mexico, Nhà máy Petstar lớn nhất thế giới tái chế chai PET, đưa Mexico giải quyết được 80% rác chai nhựa làm thành những Eco-brick cho xây dựng hay hạt nhựa tái sinh cho chính sản xuất ngành nhựa.
Ta hoàn toàn có thể lấy kinh nghiệm và giải pháp của các nơi đó để giải bài toán thu gom- tái chế- xử lý của mình : Lấy kiểu Green Dot của Đức trong phân loại chất thải tại nguồn và dánh thuế sản phẩm nhựa; Lấy kiểu Ấn Độ để tổ chức thu hồi mọi sản phẩm nhựa qua sử dụng trước và sau khi thải; Lấy quy trình của Singapore để tập kết thu gom, vận chuyển rác, đốt kín và xử lý khí thải, tro bụi; Lấy công nghệ Nhật để đốt CFB có tiết chế khí phát sinh; Lấy kiểu xử lý tái chế nhựa của Mexico để ra vật liệu nhựa tái sinh cho sản xuất của chính ngành nhựa hay cắt, nén, gia nhiệt, định hình theo kiểu Ấn Độ làm vật liệu xây dựng cho công trình hay đường xá…Ở mặt đồng hành, phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ để xử phạt các hành vi xả thải rác cùng với 1 chế độ thuế môi trường đánh hiệu quả vào sản phẩm nhựa để lấy nguồn tài lực vào các hoạt động khắc phục ô nhiễm môi trường cũng như hạn chế loạI sản phẩm nhựa khó thu hồi xử lý bằng đánh đòn kinh tế trên giá thành.
Trên mối tương quan khác, phải tăng cường bằng chính sách, công nghệ, đầu tư kinh tế kỹ thuật để cho ra đời những sản phẩm “xanh” ống hút, bao bì nhựa thay thế có tính thân thiện với môi trường, nổi bật là loại nhựa phân hủy sinh học (bioplastics) đang được thế giới công nhận là giải pháp hàng đầu. Đây là sản phẩm nhựa “xanh” từ sự kết hợp hoàn hảo giữa các polyme có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn như PLA, PBS, PBAT… và các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như bột ngô, tinh bột thực vật, collagen, xơ cellulose… Ưu điểm nổi bật là loại nhựa này có khả năng phân hủy 100% bởi sự tác động của vi khuẩn thành những chất tự nhiên, hòa lẫn vào đất và không gây hại, hoàn toàn phân hủy hữu cơ (compostable) thân thiện với môi trường. Riêng các nhà khoa học Mỹ đã dùng những vỏ tôm, cua, giáp xác, côn trùng để chiết xuất ra chất chitin, rồi kết hợp với vỏ thực vật một số loại nấm chứa nhiều cellulose để có được chất nhựa tổng hợp từ 2 loại vật liệu này… Những sản phẩm mới được khẳng định có thể thay thế toàn bộ bao bì nylon từ nhựa PE, PET như hiện nay thành những loại túi tốt hơn, sạch hơn, có thể phân hủy được dễ dàng trong môi trường tự nhiên sau khi đã được sử dụng.
Kết hợp được tất cả các mặt kinh tế- kỹ thuật- giáo dục đó trong các giải pháp về tạo ý thức phân loại rác nguồn, xả thải đúng chỗ, thu gom triệt để, xử lý khoa học để tái sinh và chôn lấp…cùng với giải pháp về công cụ thuế môi trường và tăng cường các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, ta sẽ dần dần cân bằng và kiểm soát được tình trạng rác thải nhựa tràn lan ô nhiễm hiện nay và hướng nền sản xuất tiêu dùng sản phẩm nhựa đến tương lai phát triển bền vững hơn. Lộ trình này không hề ngắn ngủi, mau chóng mà hết sức nghiêm túc, kiên trì, quyết liệt với việc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nói. Đích đến cuối cùng chỉ đơn giản là thực hiện được 1 mục tiêu duy nhất : “để rác thải nhựa phải trở thành tài nguyên tái tạo phục vụ đời sống xã hội”.
Lê Hùng