BVR&MT – Trong rất nhiều công nghệ để xử lý, hỗ trợ cho nông nghiệp, ứng dụng công nghệ vi lượng đất hiếm đã được sử dụng và phát triển nhiều ở các quốc gia như Isreal, Úc, Đức, Mỹ,… Tại Việt Nam cũng đang áp dụng vi lượng đất hiếm cho các lĩnh vực và nổi bật hơn hết là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nông nghiệp được xem là ngành kinh tế mũi nhọn trong mọi hoàn cảnh ở các quốc gia. Việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ nâng cao được năng suất, chất lượng và giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời giải pháp tân tiến này cũng góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu thế tất yếu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển thực chất, làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, quá trình hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng nông sản; đô thị hóa khiến diện tích đất bị thu hẹp, biến đổi khí hậu, dân số tăng, nhu cầu lương thực ngày càng cao… Điều đó đặt ra thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Quang Minh – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: “Ở Việt Nam trữ lượng mỏ đất hiếm lớn nhưng chưa được khai thác, chế biến còn hạn chế, chưa phát triển mạnh mẽ. Các nguyên tố đất hiếm được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực không chỉ trong nông nghiệp. Thời gần đây, các chuyên gia và các đơn vị đã khai thác, áp dụng vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp đạt được những thành tích lớn”.
Một thực tế cho thấy, vi lượng đất hiếm vẫn còn là một khái niệm xa lạ với công chúng nhưng trên thực tế việc áp dụng này đã giải quyết được các bài toán khó cho bà con trong lĩnh vực nông nghiệp về môi trường, sản lượng, thời tiết,… Là một trong những công ty đi đầu áp dụng vi lương đất hiếm, ông Nguyễn Trọng Tín – Giám đốc Công ty Cổ phần Atomfeed Việt Nam cho biết, việc sử dụng đất hiếm với liều lượng thích hợp không những làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn làm tăng khả năng kháng bệnh, giảm chi phí thuốc trừ sâu, giảm độc hại cho người sử dụng.
Cụ thể thực tiễn
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã áp dụng vi lượng đất hiếm vào việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đầu năm 2021. Với kích thước bề xi măng có diện tích mặt nước 1400m, đường kính 40m, sâu 3m, đây là công nghệ hồ bể xi măng hiện đại nhất để áp dụng nuôi tôm. Theo đó, nhóm khảo thí thả 140 con giống, sau 98 ngày thu hoạch cho kết quả bất ngờ. Tôm đạt kích thước 18 – 22con/kg, đảm bảo môi trường sống tốt, tiêu thụ thức ăn ít, hạn chế dich bệnh và tỷ lệ sống cao. Đặc biệt trong vấn đề xử lý môi trường nước nuôi tôm áp dụng vi lượng đất hiếm có chế phẩm xử lý ngay và nhanh trong vấn đề xử lý môi trường nước.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã thí điểm nuôi cá nước ngọt tại Hà Nam trong đó có nuôi các loại như cá trôi, cá chép, cá mè trong môi trường ao nước tù. Thả 7.664 loại trong diện tích mặt nước là 3000m2, chỉ thả cá giống nhỏ 200 – 300gram. Thả giống vào tháng 10, bắt đầu mùa rét của miền Bắc cho thấy tỉ lệ cá chết thấp. Việc trộn chế phẩm đất hiếm cùng với các thành phần tạo ra thành phẩm thức ăn cho cá hiệu qủa hơn việc thả trực tiếp xuống dưới ao. Điều đó cho thấy, vi lượng đất hiếm tạo ra hiệu quả cho hệ tiêu hóa cá nước ngọt từ đó tăng sức đề kháng, tăng trưởng ổn định trong mọi loại thời tiết của miền Bắc. Ngoài ra, sử dụng vi lượng đất hiếm trong chế phẩm nước uống cho gà thịt và gà để trứng giúp tăng đề kháng, chống chọi bệnh tật như cúm gà, gà thịt tăng trưởng tốt, sản lượng trứng đều và chất lượng, cho phép kéo dài thời gian khai thác trứng từ 2 – 4 lần so với bình thường.
Một trong những thành quả lớn trong đại dịch về áp dụng vi lựng đất hiếm đó là thương hiệu trà hữu cơ Tea Del Sol được chấp nhận và xuất khẩu qua thị trường khó tính Hàn Quốc. Công nghệ được sử dụng vào quy trình trồng và chăm sóc trà Thái Nguyên cụ thể ở huyện Tân Cương và Đại Từ. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, cây chè sử dụng phân bón vi lượng đất hiếm cho năng suất tăng từ 15-30%, tăng mật độ búp từ 15-21%, chất lượng tốt, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Như vậy có thể thấy việc ứng dụng đất hiếm vào sản xuất phân bón vi lượng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả cao. Đó sẽ là một trong những ứng dụng rất thiết thực giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất. Đảm bảo hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng tốt nhất cho cộng đồng và người tiêu dùng. Và đặc biệt hơn trong thời điểm giá phân bón có xu hướng tăng nhanh thì đây được xem là một giải pháp rất hữu hiệu.
Hà Linh