BVR&MT – Sáng 29/3, tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. “Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới, cùng với đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia và trong nước, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Đại diện Tổng cục Thống kê chỉ ra, so với tháng trước, CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% (khu vực thành thị tăng 0,75%; khu vực nông thôn tăng 0,66%), mức tăng cao nhất kể từ năm 2012. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá. “Các yếu tố làm tăng CPI trong quý I/2022 là do giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết.
Không chỉ vậy, trong 3 tháng dầu năm nay, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới với giá gas tăng bình quân 21,04% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý I/2022 tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm. Cùng với đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng tăng cao làm cho giá gạo quý I năm nay tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I/2022. Đó là, giá các mặt hàng thực phẩm quý I/2022 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,55%, mỡ ăn giảm 22,6%; theo đó giá thịt chế biến giảm 4,63%. Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021 – 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI giảm 0,23 điểm phần trăm. Đặc biệt, giá thuê nhà ở giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,07 điểm phần trăm.
Một vấn đề được dư luận quan tâm là diễn biến giá vàng trong 3 tháng đầu năm nay. Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động tăng cùng chiều với giá vàng thế giới khi lạm phát các quốc gia tăng cao và ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga – Ucraina. Tính đến ngày 25/3/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.956,07 USD/ounce, tăng 4,95% so với tháng 2/2022. Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng gia tăng làm chỉ số giá vàng tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng trước; tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%.
Vào ngày 16/3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau hơn 3 năm lên mức 0,25% – 0,5% trước áp lực lạm phát gia tăng. Chỉ số USD tháng 3/2022 trên thị trường quốc tế đạt mức 98,47 điểm, tăng 2,58% so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.000 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 3/2022 tăng 0,64% so với tháng trước; giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2022, chỉ số giá USD trong nước giảm 0,67%.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Tuy nhiên theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các quý tiếp theo, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.
“Trong thời gian tới, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.