BVR&MT – Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, thời điểm cuối tháng 3, giá một số mặt hàng nông sản tăng cao. Trên địa bàn vẫn chưa bước vào mùa mưa khiến một số vùng có nguy cơ khô hạn cục bộ.
Cụ thể một số mặt hàng nông sản của Lâm Đồng tăng giá mạnh như sản phẩm cây công nghiệp là cà phê vối nhân xô có giá từ 46.300 – 47.000 đồng, tăng 300 – 500 đồng/kg; sản phẩm chăn nuôi gồm lợn hơi tăng 1.000 đồng lên 53.000 đồng/kg; gà trống và gà mái hơi có giá 60.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Sản phẩm rau, củ, quả Đà Lạt là hành tây tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng/kg; hành lá từ 7.000 lên 9.000 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt tăng 3.000 – 4.000 đồng lên 36.000 – 38.000 đồng/kg; rau bó xôi tăng 5.000 đồng lên 15.000 đồng/kg.
Một số sản phẩm nông nghiệp giảm giá, trong đó có các loại hoa. Cụ thể hoa đồng tiền giảm 2.000 đồng xuống còn 28.000 đồng/chục; hoa hồng màu và hồng đỏ giảm 2.000 đồng, xuống còn 15.000 – 16.000 đồng/chục; hoa cúc cành giảm 4.000 đồng, xuống còn 20.000 đồng/chục; hoa lay ơn 30.000 đồng/chục, hoa lily Sorbone và Concador có giá 60.000 – 75.000 đồng/chục, đều giảm 5.000 đồng… Một số sản phẩm rau, củ, quả như đậu leo giảm 3.000 đồng xuống còn 6.000 đồng/kg; cà chua giảm 10.000 đồng xuống còn 13.000 đồng/kg so với tuần trước.
Theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa rất thấp, chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 3 trên toàn tỉnh phổ biến không mưa; dung tích trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện tại đạt trung bình khoảng 75% dung tích thiết kế. Một số địa phương có nguy cơ hạn hán cao gồm huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đây là những địa bàn có diện tích cây trồng hàng năm và cây trồng lâu năm nhiều nhất tỉnh với tổng diện tích hơn 160.000 ha.
Đến ngày 22/3, trên địa bàn một số huyện như Lạc Dương, Đam Rông và Bảo Lâm mới xuất hiện các cơn mưa đầu mùa với lượng mưa chỉ từ 10 – 19 mm tại 1 số khu vực. Tuy nhiên, tại 2 xã của huyện Lạc Dương lại xảy ra mưa đá, gây thiệt hại 52,2 ha hoa màu của 141 hộ dân.
Thời tiết nắng nóng, khô hạn trong những ngày qua tại thành phố Đà Lạt đã làm nước trong hồ Xuân Hương biến đổi, tảo lam sinh sôi làm lượng cá trong hồ bị thiếu ô xy, phải nổi lên để thở. Sau đó trận mưa hiếm hoi chiều ngày 27/3 đã làm 1 lượng rác thải và đất đỏ từ các con suối thượng nguồn đổ về, làm một lượng lớn cá trong hồ bị chết nổi lên, gây ô nhiễm khu vực xung quanh hồ…