BVR&MT – Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất.
Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi
Cùng với chuyển đổi giống cây trồng, ngành nông nghiệp huyện Krông Pa đã đẩy mạnh triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi bò lai; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai đề tài “Nâng cao chất lượng đàn bò thịt huyện Krông Pa” với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng và đã phối giống nhân tạo cho khoảng 3.000 con bò bằng các giống như: Red Angus, Brahman, Charolais, Limousine, BBB; xây dựng 10 mô hình chế biến thức ăn cho bò lai; đào tạo, nâng cao kỹ thuật cho 7 cán bộ kỹ thuật phối tinh nhân tạo… Kết quả, các đơn vị đã tạo ra gần 3.000 con bê lai có tầm vóc lớn vượt trội, tỷ lệ thịt đạt gần gấp đôi so với đàn bò địa phương, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Ông Ngô Văn Phú (thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm) cho biết: “Hàng năm, 3 con bò cái của gia đình đẻ được 3 con bê lai giống BBB, Brahman. Bê lai sinh ra có tầm vóc cao lớn, phát triển nhanh, mỗi con nuôi chỉ 15-16 tháng là có thể bán được khoảng 30 triệu đồng”.
Gia đình anh Ksor Tư (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) có 1 ha đất trồng mì nhưng thường xuyên bị bệnh khảm lá vi rút, hạn hán khiến cây không thể sinh trưởng, phát triển được. Tháng 5-2021, anh được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ kinh phí khoan giếng, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt và giống KM94 để triển khai mô hình trồng mì có tưới nước. Anh Ksor Tư nói: “Những năm trước, thấy người ta giới thiệu giống mì HL-S11 năng suất cao, siêu bột nên tôi mua về trồng thử. Tuy nhiên, giống này bị bệnh khảm lá vi rút làm mất trắng cả tiền đầu tư và công chăm sóc. Vụ này, tôi được huyện hỗ trợ giống mì KM94 và khoan giếng, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt nên cây mì phát triển tốt, không bị bệnh. Năng suất mì dự kiến đạt trên 30 tấn tươi”.
Anh Ksor Yim-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Rmok-cho biết: Mì là cây trồng chủ lực của người dân trong xã với hơn 90% hộ dân trồng. Tuy nhiên, do người dân đưa một số giống nhiễm bệnh về trồng làm cho năng suất, chất lượng mì giảm rất nhiều. “Với mô hình trồng mì giống KM94, có tưới nước, tôi thấy cây phát triển tốt, 99% diện tích không bị bệnh khảm lá. Vụ tới, xã tiếp tục vận động bà con nhân rộng giống KM94 và áp dụng mô hình tưới nước cho cây mì”-anh Yim thông tin.
Ngoài ra, mỗi năm, có khoảng 400-500 người được cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng để nâng cao năng suất; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo sức khỏe đối với con người và môi trường; tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc đàn vật nuôi… Việc này giúp nông dân nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế.
Đưa cơ giới vào sản xuất
Thời gian qua, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được huyện Krông Pa chú trọng. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trên địa bàn đạt 90%, chăm sóc đạt 30%, thu hoạch đạt 50%, tưới chủ động đạt 80%, bảo vệ thực vật đạt 100%. Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng triển khai đề tài thiết kế, chế tạo hệ thống máy chế biến thịt bò một nắng với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Đến nay, các đơn vị đã chế tạo được 2 hệ thống chế biến thịt bò một nắng cho 2 nhóm hộ. Sản phẩm thịt bò một nắng qua chế biến được nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho hay: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong trồng trọt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Nhờ đó, năng suất một số cây trồng chính đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, năng suất lúa đạt 46,5 tạ/ha (tăng hơn 3,3 tạ/ha so với năm 2016), mì đạt 22 tấn/ha (tăng hơn 2 tấn/ha so với năm 2016). Bên cạnh đó, tỷ lệ bò lai từ 20% năm 2016 tăng lên 25% năm 2021. Kết quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đáp ứng yêu cầu thực tiễn của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. “Mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững; tập trung chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện, nhất là các giống cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng của địa phương như: mì, lúa, thuốc lá, bò, dê… vào sản xuất.