BVR&MT – Xã Đăk Rong, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai nằm cách trung tâm tỉnh lị Pleiku khoảng 130km, nơi đây được biết đến là xã vùng sâu, vùng xa nhất nhì của tỉnh. Những năm gần đây nhờ các chủ trương, chính sách của tỉnh địa phương này đã có những đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm gần 10%.
Anh Đinh Văn Vào, 27 tuổi, Thôn Kon Lanh Te (xã Đăk Rong) cho biết: “Do rẫy ít, ruộng không có, phá rừng thì không dám, trước đây có người đi phát bị bắt đi tu rồi. Trước đây ở dưới kia giờ nhường đất cho thủy điện, ở dưới đó có nhiều đất, gần bờ suối nước bơm thoải mãi, giờ trên này đâu có nước, trồng lúa thì không có đất, nhà nào trồng được thì hay mất mùa nên cuộc sống của bà con còn khó khăn lắm”.
Được biết, thôn Kon Lanh Te có hơn 70 hộ dân, với nhiều dân tộc sinh sống như Xê Đăng, H’rê,… Thời gian gần đây đời sống của bà con có phần cải thiện nhờ trồng cà phê, đậu tương. Ngoài thời gian vào mùa thu hoạch và chăm sóc cà phê, đầu tương thì bà con chủ yếu đi rừng tìm lá kim cương, nấm để bán lấy tiền trang trải cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên ông Đinh Nao, Chủ tịch UBND xã Đăk Rong, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai – cho biết: Cuộc sống của bà con ngoài trồng cà phê, trồng đậu thì tháng giêng và tháng hai dương lịch bà con vào rừng lấy mật ong, hái nấm”.
Được biết, xã Đăk Rong hiện có 1.090 hộ với gần 4.000 nhân khẩu. Sau nhiều năm nỗ lực phát triển kinh tế, trồng các loại cây thế mạnh, phù hợp với thời tiết, khí hậu của địa phương, “hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Đăk Rong đã giảm 8% nhưng dân còn nghèo lắm, hiện toàn xã còn chiếm tỷ lệ 24,77%” – Chủ tịch UBND xã Đăk Rong cho biết.
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường lãnh đạo UBND huyện K’bang – cho biết: “Huyện giờ hộ nghèo còn nhiều, ở các xã có đất sản xuất nhưng còn thiếu, trồng rừng nhưng việc đầu tư khoa học kỹ thuật chưa tốt, nên hiệu quả kinh tế không cao. Huyện lồng ghép các chương trình dự án 135, xóa đói giảm nghèo, giúp bà con phát triển kinh tế, nhưng việc đặt ra hiện nay là thiếu đất sản xuất chưa giải quyết được”.
“Trong các khu tái định cư không có quỹ đất dự phòng, khi người ta tách hộ ra hàng chục năm nay, nên thiếu đất ở và đất sản xuất” – Lãnh đạo UBND huyện K’Bang cho biết.
Trước những khó khăn trên, hiện nay huyện đã hỗ trợ bà con chăn nuôi gia súc, chủ yếu là nuôi bò, huyện đầu tư hỗ trợ trồng cỏ, tìm các phương pháp chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất, chỉ đạo cho các xã mặt trận đoàn thể vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi sản xuất…
Hoàng Văn