BVR&MT – Các nhà khoa học cho rằng việc các loài chim bị tuyệt chủng quy mô lớn như trên chủ yếu là do hoạt động săn bắt của con người hoặc do các loài động vật mà con người mang đến các đảo.
Theo kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu do Đại học Tel Aviv và Viện Khoa học Weizmann thực hiện và được công bố trên tạp chí Journal of Biogeography số ra ngày 10/8, có ít nhất 469 loài chim đã bị tuyệt chủng trong vòng 50.000 năm qua.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân các loài chim bị tuyệt chủng quy mô lớn như trên chủ yếu là do sự tác động của con người qua các hoạt động săn bắt hoặc do các loài động vật mà con người mang đến các đảo, nơi vốn là môi trường sống của các loài chim này.
Điều này dẫn tới việc 10%-20% các loài chim bị biến mất.
Theo các nhà khoa học, số loài chim biến mất hoàn toàn trên thực tế có thể nhiều hơn con số 469 loài đã được thống kê. Hầu hết những loài chim bị tuyệt chủng có một số đặc điểm chung như có kích cỡ lớn, sống trên các đảo và nhiều trong số chúng không biết bay.
Các phát hiện của nhà khoa học chủ yếu dựa trên các di tích của các loài chim được tìm thấy tại nơi có con người sinh sống và trên thực tế các loài này bị tuyệt chủng không lâu sau khi con người xuất hiện tại môi trường sống của chúng.
Các nhà khoa học hy vọng rằng công trình nghiên cứu này có thể cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng ở các loài chim còn tồn tại hiện nay, do vậy cần phải kiểm tra liệu những loài còn lại có những đặc điểm tương tự với những loài bị tuyệt chủng hay không.