BVR&MT – Nhằm góp phần giữ gìn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật hoang dã, sáng ngày 20/02/2023, Vườn Quốc gia Ba Vì đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục kiểm lâm Hà Nội, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thực hiện tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ vào rừng tại Vườn quốc gia.
Chương trình được tổ chức với tên gọi “Tour – VỀ NHÀ”, trong chương trình đại diện Sở NN & PTNT Hà Nội, Chi cục kiểm lâm Hà Nội, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội và Vườn Quốc gia Ba Vì đã thực hiện thả các loài động vật vào rừng gồm: Chào mào, Vạc, Kịch đá, Rắn hổ mang chúa được tái thả vào các sinh cảnh phù hợp tại với gần 200 cá thể các loại.
Việc thực hiện tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ tại Vườn Quốc gia Ba Vì, sẽ góp phần thực hiện công tác bảo tồn động hệ động vật tại vườn. Sự kiện tạo hiệu ứng mạnh mẽ, góp phần lan toả sâu rộng tới cộng đồng, xã hội về ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong việc bảo vệ động vật hoang dã nói riêng và thiên nhiên nói chung. Qua sự kiện, Vườn Quốc gia Ba Vì mong muốn cảm ơn sự tham gia tích cực của cộng đồng vào nỗ lực với vườn trong sứ mệnh cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, cho thấy hiệu quả của việc giáo dục thiên nhiên, môi trường. tiến tới triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong Chương trình “Tour – VỀ NHÀ”, để cùng tạo sự đa dạng sinh thái nhiều hơn cho động vật hoang dã.
Vườn quốc gia Ba Vì được thành lập theo Quyết định số 17-CT ngày 16/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Hiện nay, Vườn có tổng diện tích gần 9.702,41 ha, thuộc địa giới hành chính 15 xã, 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai của Thành phố Hà Nội, Kỳ Sơn, Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình. Núi Ba Vì có 3 đỉnh: đỉnh Vua có độ cao 1.296m, đỉnh Tản Viên có độ cao 1.227m và đỉnh Ngọc Hoa có độ cao 1.131m. Theo khảo sát gần đây nhất hệ động, thực vật của Vườn quốc gia Ba Vì rất phong phú và đa dạng với 2.181 loài cây gỗ, 503 loài cây thuốc, 65 loài thú, 194 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lương cư và 552 loài côn trùng. Trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ, nhiều loài động thực vật đặc hữu.
Hậu Thạch