BVR&MT – Từ năm 2016, Facebook và WWF phối hợp phát hiện và loại bỏ các hành vi bất hợp pháp tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trên nền tảng mạng xã hội. Mới đây, Facebook tiếp tục cảnh báo người dùng về vấn nạn này khi một số từ tìm kiếm liên quan đến buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã được nhập vào. Ví dụ nếu người dùng tìm kiếm một loài được bảo vệ đi kèm với một hoạt động thương mại như “mua + hổ” thì cảnh báo sẽ bật lên với nội dung Facebook không chấp nhận hành vi ngược đãi động vật và buôn bán động vật nguy cấp hoặc các bộ phận của chúng.
Ngoài ra, những cảnh báo này cũng được bổ sung vào các quảng cáo di động trên Instagram nhằm hướng các tìm kiếm về hashtag vi phạm đến nội dung giáo dục người dùng về động vật hoang dã nguy cấp, đồng thời chặn người dùng tìm kiếm nội dung liên quan đến những hashtag đó. Instagram cũng cho phép người dùng trực tiếp báo cáo những nội dung đáng nghi thông qua nút “ngược đãi động vật”.
Năm 2019, Facebook cấm buôn bán động vật sống, ngoại trừ bán thông qua một doanh nghiệp được xác minh. Trước đó, Facebook hợp tác với WWF xây dựng tài liệu đào tạo chi tiết cho nhân viên thực thi với những nội dung ngăn cấm được xác định thông qua giám sát trực tuyến và giáo dục người dùng về buôn lậu thông qua một cảnh báo khác cho Instagram từ 2017.
Buôn bán các loài nguy cấp đang thâm nhập khắp các nền tảng mạng xã hội và người bán có thể chào bán cả động vật sống và những sản phẩm làm từ động vật thông qua ảnh và video. Các nhóm kín thực hiện giao dịch và hoạt động bằng tin nhắn riêng tư khiến khó xác định người mua và người bán, gây khó khăn cho việc xử lý nội dung bị cấm. Facebook và Instagram đã tham gia Liên minh chấm dứt buôn bán động vật hoang dã trực tuyến từ năm 2018.
Thông qua Liên minh, 37 công ty trực tuyến toàn cầu đã xóa hoặc chặn hơn 3,3 triệu động vật hoang dã bị cấm được đưa lên nền tảng tương ứng. Mặc dù con số này rất ấn tượng nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ trong tiến trình cần thiết để động vật hoang dã được sống trong môi trường tự nhiên.
“Mỗi ngày, lựa chọn chúng ta đưa ra đều có tác động sâu sắc đến tự nhiên. Đây là lúc rất phù hợp để chúng ta ngẫm lại về những hành động, đặc biệt là việc mua hàng, ảnh hưởng đến hành tinh như thế nào. Bạn hãy nắm bắt thông tin và góp phần bảo tồn thiên nhiên bằng cách tránh những lựa chọn gây hại cho động vật hoang dã”, Giám đốc cấp cao thuộc WWF Mỹ Crawford Allan nhấn mạnh.
“Thay vì lựa chọn động vật sống hoặc sản phẩm từ động vật hoang dã, tại sao chúng ta không chọn một sản phẩm bền vững hoặc một tác phẩm nghệ thuật mô tả động vật hoang dã, như thế là bạn đã góp phần bảo vệ động vật hoang dã và môi trường”, Crawford Allan chia sẻ.
Thùy Dương (Theo worldwildlife.org)