BVR&MT – Là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào sản xuất, kinh doanh…, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành việc chuyển đổi số và đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội.
Hoạt động trên môi trường số
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Thực hiện chủ trương này, EVN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Bên cạnh đó, EVN cũng ban hành Nghị quyết số 473/NQ-HĐTV ngày 5/11/2018 và quyết định triển khai ứng dụng CMCN 4.0 vào toàn bộ các hoạt động của Tập đoàn từ khâu phát điện, truyền tải, phân phối, kinh doanh dịch vụ khách hàng và công tác quản trị. Cụ thể:
Trong khối nguồn điện: đã triển khai thành công phương pháp sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy RCM (Reliability Centered Maintainance) tại Nhà máy Thủy điện Ialy và đang nhân rộng cho khối thủy điện; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều khiển tối ưu quá trình cấp nhiên liệu tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải; xây dựng Trung tâm Quản lý vận hành thông minh SmartOCC tại cụm Nhà máy Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, cụm Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4; nghiên cứu ứng dụng internet vạn vật (IoT) trong vận hành, sửa chữa bảo dưỡng tối ưu cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2; ứng dụng công nghệ AI và xây dựng phần mềm dự báo lưu lượng nước về hồ thủy điện Thác Mơ; nghiên cứu, phát triển hệ thống giám sát lò hơi để hỗ trợ quyết định phương án vận hành và bảo dưỡng tối ưu tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng…
Trong khối lưới điện: đã đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên trên lưới 110 kV và 220 kV; ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) gắn thiết bị ghi hình độ phân giải cao trong công tác kiểm tra, quản lý vận hành đường dây, xử lý dây diều, vật thể mắc vào dây dẫn. Việc ứng dụng UAV giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho lực lượng công nhân, đặc biệt là giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao.
Lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng: đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công ở cấp độ 4 – cấp độ cao nhất với 12/12 dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai cung cấp hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước… Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nắm bắt được xu thế sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều của người dân, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến qua websitte, tổng đài, email, EVN đã kịp thời phát triển các ứng dụng chăm sóc khách hàng trên điện thoại di động, giúp khách hàng tiếp cận các dịch vụ điện một cách thuận lợi nhất…
Trong công tác quản trị: với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác quản trị doanh nghiệp, EVN đã cắt giảm được những chi phí không cần thiết mà vẫn nâng cao năng suất lao động. Điển hình là ứng dụng Digital office với nền tảng công nghệ mới, tích hợp chữ ký số công cộng cho các cán bộ quản lý, chữ ký số nội bộ cho 100% cán bộ trong Tập đoàn. Hệ thống cho phép trình ký, phát hành và tiếp nhận 100% văn bản đi/đến (trừ văn bản mật), lập hồ sơ điện tử và lưu trữ hoàn toàn trên môi trường mạng. Nhờ đó, giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn giữa các ban trong EVN cũng như giữa EVN với các đơn vị trực thuộc; đồng thời xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý. Đặc biệt với việc số hóa thành công 2 quy trình nghiệp vụ (tài chính kế toán và kinh doanh – dịch vụ khách hàng), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (đơn vị thành viên của EVN) đã tiết kiệm được hơn 43 tỷ đồng/năm chi phí in ấn và nhân công, hơn 30.000 m2 diện tích kho lưu trữ hồ sơ giấy, giảm 50-80% thời gian thực hiện công việc, các nghiệp vụ được thực hiện chuẩn xác, không sai sót…
Tiến tới hội nhập và phát triển
Để phát triển và hội nhập, EVN đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công vào năm 2022 và đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động. Để đạt được mục tiêu trên, EVN sẽ tiếp tục ứng dụng triệt để, mạnh mẽ công nghệ số và công nghệ thông tin, đặc biệt là các công nghệ lõi của cuộc CMCN 4.0 như IoT, Bigdata, Blockchain, Cloud… trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, EVN tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các nội dung mới như nhà máy điện số, xây dựng nền tảng số phục vụ cho đội ngũ công nhân ngoài hiện trường, xây dựng hạ tầng viễn thông dùng riêng tốc độ cao… Đến năm 2022, 100% thiết bị lưới điện truyền tải được số hóa, 100% cán bộ làm việc ngoài hiện trường sử dụng thiết bị di động thông minh phục vụ công việc, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 và số khách hàng tham gia giao dịch trực tiếp đạt 90%, 100% các công việc giao tiếp tại hiện trường với khách hàng được thực hiện online. Ngoài ra, EVN cũng tập trung chuyển đổi số cho lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ và hiện đại hóa hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ 3D trong đầu tư xây dựng; chuyển đổi hệ thống quản lý văn bản nội bộ từ E-Office sang Digital Office; nâng cấp hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin đảm bảo hạ tầng cho các ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng và tay nghề tốt để làm việc trên không gian số, hình thành văn hóa số tại EVN.
Tại Lễ trao giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards 2021”, EVN đã được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2021. Đây là lần thứ 3 liên tiếp EVN nhận giải thưởng này. |