BVR&MT – EVFTA đã mang đến cho ngành nông nghiệp Việt Nam cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong quá trình thực thi hiệp định. Tuy nhiên, những thách thức ấy cũng chính là đòn bẩy quan trọng, giúp ngành nông nghiệp nước ta trưởng thành hơn trong tiến trình hội nhập trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung phát triển chế biến sâu và hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến
EVFTA là hiệp định thương mại tự do có mức cam kết cao nhất dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết, với hơn 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong lộ trình từ 7 đến 10 năm. Trong đó, thuế suất nhiều mặt hàng nông sản nước ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà-phê, ca-cao…, được cắt giảm ngay hoặc trong lộ trình ngắn. Hiện, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của EU chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu. Chính vì vậy, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường này. Tuy nhiên, châu Âu vốn ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu, cho nên muốn gia tăng lượng hàng hóa cũng như kim ngạch xuất khẩu, ngành nông nghiệp cần dồn sức phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến trong thời gian tới. Cụ thể như các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam rất được chào đón ở châu Âu nhưng khoảng cách địa lý khiến việc vận chuyển và bảo quản trái cây tươi rất khó khăn. Do đó, phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến là “chìa khóa vàng” giúp trái cây thâm nhập thị trường EU, nhất là trong điều kiện thuế suất của 85,6% dòng sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam vào EU được giảm về 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên hiện nay, xuất khẩu rau quả chế biến của nước ta mới chỉ chiếm chưa tới 19% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả cho nên nếu không tăng nhanh các mặt hàng này rất có thể ngành rau quả sẽ bỏ lỡ những lợi thế về thuế mà EVFTA mang lại. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Đinh Cao Khuê nhận định: Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất hơn một triệu tấn sản phẩm/năm, song tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến đạt thấp, chỉ khoảng 5 đến 10%; tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,2%. Trong khi đó, chế biến đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền nông nghiệp. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu thì các sản phẩm chế biến, nhất là trái cây chế biến còn có thời gian bảo quản lâu dài nên tránh được tổn thất khi chưa thể xuất khẩu. Điều này được minh chứng rõ nhất trong đợt cao điểm dịch Covid-19, khi trái cây tươi tắc đầu ra thì sản phẩm chế biến vẫn xuất đều, thậm chí còn được hưởng ứng mạnh mẽ do tâm lý ngại hàng tươi sống của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Cùng với trái cây, thì gạo và thủy sản, hồ tiêu, điều, gỗ… cũng là những ngành hàng yêu cầu cao về chế biến sâu nếu muốn tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu vào thị trường EU. Thực tế, xuất khẩu các sản phẩm gỗ còn có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa nếu công nghiệp chế biến đạt trình độ cao. Tuy nhiên hiện nay, nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước còn thấp, mới chỉ phục vụ phần nhiều cho khai thác gỗ tuổi non để làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ, viên nén. Trong khi đó, vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung chủ yếu ở miền núi phía bắc và duyên hải miền trung thì các khu vực này lại có rất ít doanh nghiệp chế biến, khiến sản phẩm gỗ tinh chế sản xuất ra rất hạn chế. Chưa kể, phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ; số doanh nghiệp có công suất thiết kế sử dụng dưới 500 m3 gỗ tròn/năm chiếm tới 47%. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hầu hết các mặt hàng nông nghiệp hiện nay sản phẩm chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, chiếm từ 70 đến 85%; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm từ 15 đến 30%. Đặc biệt, công nghệ chế biến còn lạc hậu, trong đó hệ số đổi mới thiết bị của các cơ sở chế biến chỉ ở mức 7%/năm. Chính vì vậy, EVFTA với những đòi hỏi cao về sản phẩm chế biến sâu trở thành một động lực lớn để các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đổi mới công nghệ chế biến để đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của thị trường châu Âu. Từ đó hình thành các cụm liên kết sản xuất – bảo quản – chế biến – tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung nhằm tạo ra các sản phẩm đồng đều về chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và bảo đảm các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường theo các nội dung đã cam kết từ EVFTA.
Thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ
Hiện nay, quy mô thị trường nông sản hữu cơ toàn cầu đạt khoảng 120 tỷ USD, thì thị trường châu Âu chiếm một nửa. Châu Âu là thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất thế giới, trong đó các loại hạt, gia vị, trái cây hữu cơ… là những sản phẩm của Việt Nam được EU ưa chuộng. Theo Văn phòng trực tuyến của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luých-xăm-bua và EU, năm 2019, EU đã nhập khẩu 3,24 triệu tấn nông sản hữu cơ, tăng 0,4% so với năm 2018. Nông sản hữu cơ chiếm khoảng 2% tổng số lượng nông sản nhập khẩu vào EU, đặc biệt sản phẩm chế biến chiếm ưu thế và có tổng giá trị cao hơn sản phẩm thô tới 15%. Trong đó, trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị là các sản phẩm hữu cơ được EU nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2019, chiếm 27% tổng lượng nhập khẩu hữu cơ (0,9 triệu tấn). Chính vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực đã mở ra cánh cửa rộng lớn đối với ngành nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, trở thành cơ hội “có một không hai” cho quá trình phát triển nhanh và mạnh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường EU; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các mặt hàng cùng chủng loại từ các quốc gia khác, nhất là đối với gạo, tôm, trái cây, gia vị… Tuy các nông sản hữu cơ phải đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt, khắt khe nhưng bù lại, giá trị xuất khẩu lại rất cao. Đơn cử như gia vị quế hữu cơ, tại thị trường EU, một tấn quế hữu cơ có giá cao hơn so với quế thường tới 1.000 USD. Theo tính toán chung, thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp nông sản Việt Nam tăng giá trị gấp từ 1,5 đến 1,8 lần so với sản xuất thông thường. Để hiện thực hóa được giá trị đó, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng: Muốn phát triển các sản phẩm hữu cơ, nền nông nghiệp nước ta cần có sự chuyển đổi nhanh chóng từ phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác theo tiêu chuẩn từ nguồn nước, nguồn đất đến việc sử dụng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Theo đó, tư duy của các nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân cũng cần được “làm mới” một cách triệt để. Thay vì chạy theo sản lượng phải ưu tiên chất lượng, lấy giá trị gia tăng của sản phẩm làm đích đến. Những sự thay đổi này hoàn toàn có cơ sở để thực hiện, vì cuối tháng 6-2020, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng từ 1,5 đến 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng hơn 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà-phê, điều, dừa… Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng từ 0,5 đến 1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản… Các mục tiêu này đều hướng đến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng của EU cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Mới đây, tại hội thảo “Thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”, Thứ trưởng NN và PTNT Trần Thanh Nam cũng đánh giá nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới, cho nên Việt Nam quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ với trình độ sản xuất ngang bằng các nước tiên tiến. Theo đó sẽ đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, từ cấp bộ đến các địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Có thể thấy, EVFTA mới có hiệu lực được một khoảng thời gian rất ngắn nhưng đã tạo ra những “làn sóng” chuyển dịch mới, tích cực cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tâm thế sẵn sàng vượt qua trở ngại, thì những kỳ vọng lớn cho nền nông nghiệp nước nhà bắt nguồn từ EVFTA hy vọng sẽ sớm trở thành hiện thực.
Theo Bộ NN và PTNT, năm 2019, nước ta xuất khẩu sang châu Âu 150.000 tấn nông sản hữu cơ. Đây là con số khá khiêm tốn so với nhu cầu hơn ba triệu tấn sản phẩm hữu cơ mỗi năm của thị trường này, do đó dư địa cho hàng nông sản hữu cơ của Việt Nam vào EU còn rất lớn. Diện tích canh tác hữu cơ của cả nước năm 2019 đạt khoảng 237.693 ha, có 46 trong số 63 tỉnh, thành phố đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Hơn 17.000 nông dân, 97 doanh nghiệp tham gia sản xuất hữu cơ, trong đó có 60 doanh nghiệp xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Xin-ga-po… |