BVR&MT – Một nghiên cứu mới đây chỉ ra chất ethanol – hợp chất có trong bia, rượu – có thể giúp cây cối sống sót trong thời kỳ hạn hán, ít nhất 2 tuần mà không cần nước.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Plant and Cell Physiology ngày 25/8, các nhà khoa học của Trung tâm Khoa học Tài nguyên Bền vững RIKEN tại Nhật Bản cho biết việc cung cấp chất ehtanol cho cây trồng có thể bảo vệ chúng khỏi bị chết khô do hạn hán. Trên thực tế, khi thực vật thiếu nước, chúng sẽ tự nhiên sản xuất ra ethanol.
“Các nhà khoa học phát hiện ra hiện tượng này sau quá trình tìm kiếm các hợp chất giúp thực vật đối phó trước căng thẳng”, Motoaki Seki – tác giả chính của nghiên cứu – trả lời đài CNN.
Phát hiện này không chỉ hữu ích cho công việc làm vườn mà còn cho các trang trại trồng cây lương thực quan trọng như lúa và lúa mì. Cây trồng chủ lực chống hạn có thể giúp giảm bớt tình trạng mất an ninh lương thực – một vấn đề đang ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới hiện nay và trở nên trầm trọng hơn do các đợt nắng nóng, xung đột Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra dùng ethanol là một cách hữu ích và đơn giản để tăng sản lượng lương thực trên toàn thế giới khi xảy ra hạn hán hoặc tình trạng khan hiếm nước.
Để chứng minh cho những phát hiện, các nhà nghiên cứu đã trồng lúa mì và cây lúa, thường xuyên tưới nước cho chúng, sau đó thêm ethanol vào đất ở một nhóm cây trong ba ngày. Sau đó, họ không tưới nước vào cả hai nhóm cây trong 2 tuần. Kết quả là những cây trồng trên đất ngấm ethanol có khả năng sống sót tốt hơn những cây còn lại. Khoảng 75% cây lúa mì và lúa được thêm ethanol sống sót sau khi được tưới nước trở lại, trong khi tỷ lệ đó ở nhóm cây không có ethanol là 5%.
Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra cơ chế ethanol bảo vệ cây trồng. Sử dụng arabidopsis – một loại cây nhỏ thường được dùng trong các thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các mẫu vật được xử lý bằng ethanol khi gặp tình trạng thiếu nước sẽ giữ nước và nhiệt bằng cách đóng lại khí khổng – các lỗ nhỏ trên bề mặt lá. Các cây trồng trên đất chứa ethanol sẽ kích hoạt cơ chế này khi gặp hạn hán, ngay cả trước khi chúng thực sự bị thiếu nước.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cảnh báo ethanol cần được sử dụng một cách hợp lý vì nồng độ ethanol cao hơn sẽ ức chế sự phát triển của thực vật. Nói cách khác, không nên thử điều này ở nhà.
Tác giả Seki nói rằng anh cùng các cộng sự sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm ethanol trên cây trồng tại các cánh đồng thực tế.