BVR&MT – Trong tháng 10 và 11/2022, ENV đã kêu gọi gần 2.000 cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền trên cả nước và các thầy thuốc cam kết “thân thiện với động vật hoang dã.”
ENV đã chia sẻ thông tin đến gần 2.000 cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền tại 9 thành phố lớn trên cả nước và kêu gọi các cơ sở này tham gia Mạng lưới Cơ sở kinh doanh/thầy thuốc y dược cổ truyền thân thiện với động vật hoang dã (ĐVHD) cũng như cam kết không buôn bán trái phép thuốc, dược liệu có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm.
Trong những năm vừa qua, tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài ĐHVD nguy cấp, quý, hiếm vẫn diễn biến phức tạp mà một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ niềm tin, thói quen sử dụng các loại thuốc, dược liệu từ ĐVHD để chữa bệnh hoặc nâng cao sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc ENV, chia sẻ: “ENV khuyến cáo các thầy thuốc, cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền lựa chọn kê đơn, kinh doanh các loại thuốc, dược liệu bền vững thay vì sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Chúng tôi cũng khuyến khích họ tham gia Mạng lưới thầy thuốc/cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền thân thiện với ĐVHD như một cách thể hiện sự ủng hộ, trách nhiệm của họ đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ ngành y dược cổ truyền của Việt Nam.”
Tất cả các loài ĐVHD đều được bảo vệ ở những cấp độ khác nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Ngoài những loài nguy cấp, quý, hiếm là “hàng cấm” theo quy định của Luật Đầu tư, việc quảng cáo, kinh doanh các loài ĐVHD khác đều phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đảm bảo nguồn gốc hợp pháp. Mọi hành vi tàng trữ, kinh doanh trái phép các dược liệu, thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD đều bị nghiêm cấm và phải đối diện với các hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Hành vi quảng cáo, rao bán trái phép các sản phẩm thuốc từ ĐVHD nguy cấp cũng có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân. Hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép các sản phẩm thuốc từ ĐVHD cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân.
Đầu tháng 11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định xử phạt một nữ đối tượng 85 triệu đồng về hành vi quảng cáo, rao bán mật gấu và sừng tê giác trái phép. Trước đó, tháng 08/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ra quyết định xử phạt một đối tượng 70 triệu đồng về hành vi quảng cáo cao hổ, mật gấu trái phép. Cao hổ, mật gấu, sừng tê giác… thường được quảng cáo như “thần dược” có nhiều tác dụng và rao bán với giá cao trên Internet hoặc tại các cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền.
Nằm trong chiến dịch thay đổi nhận thức cộng đồng về việc sử dụng thuốc, dược liệu từ ĐVHD, ngày 06/11/2022 vừa qua Giải chạy vì ĐVHD với tên gọi: “Động vật hoang dã không phải là thuốc” đã được ENV đồng hành cùng Hanoi Half Marathon, Sporting Republic tổ chức với sự tham gia của hơn 350 cá nhân từ 25 quốc gia. Trước đó, phim ngắn “Nói không với sử dụng thuốc từ động vật hoang dã” đã được ra mắt vào tháng 06/2022 trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, FaceBook và TikTok.